Anh em bất hòa vì tranh chấp lối đi

12:20, 30/10/2024

(VLO) Khi được mẹ chia đất, anh em thỏa thuận chừa một lối đi nhưng không thành dẫn đến bất hòa phải đưa nhau ra tòa phân xử.

Anh T.H.L. và chị T.T.P.T. (ở TX Bình Minh) là anh em ruột. Năm 2003, bà M.T.S. (mẹ anh L. và chị T.) chia cho mỗi người con một thửa đất liền kề nhau.

Theo đó, thửa đất của chị T. ở phía trong không có lối đi ra đường đan nên khi bà S. chia đất thì đôi bên có thỏa thuận, anh L. chừa một lối đi cho chị T. đi vào đất của mình.

Tuy nhiên, trong quá trình canh tác đất, chị T. đến gặp anh L. xin mở lối đi thì anh L. không đồng ý dẫn đến anh em bất hòa, tranh chấp.

Do đó, ngày 19/7/2022, chị T. gửi đơn khởi kiện yêu cầu tòa buộc anh L. mở lối đi ngang 1,6m, dài hơn 70m, tổng diện tích 115m2 thuộc một phần thửa đất 20 do vợ chồng anh L. đứng tên để chị T. đi vào đất của mình. Chị T. đồng ý trả giá trị đất cho vợ chồng anh L. theo quy định của Nhà nước.

Tại bản tự khai ngày 14/11/2022, bà S. cho biết: Trước đây, bà có chia cho anh L. và chị T. mỗi người một phần đất, loại đất trồng cây lâu năm để canh tác.

Do đất của anh L. có vị trí phía ngoài, còn thửa đất của chị T. ở bên trong nên thời điểm chia đất, đôi bên có giao kết sẽ mở lối đi cho chị T. ngang 1,6m, dài hơn 70m nhưng không có lập giấy tờ.

Khi các con xảy ra tranh chấp, bà S. có yêu cầu anh L. thực hiện việc mở lối đi như thỏa thuận nhưng anh L. không đồng ý. Do đó, bà đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị T. nhưng xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án vì không muốn nhìn cảnh các con bất hòa.

Theo kết quả đo đạc hiện trạng khu đất ngày 22/8/2023 thì hướng đi ra đường công cộng từ thửa đất 27 của chị T. phải đi qua thửa đất 20 do hộ anh L. đứng tên.

Theo đó, phần diện tích đất chị T. yêu cầu mở lối đi có diện tích 115m2 là nhỏ so với phần diện tích đất thực tế 2.294,3m2 vợ chồng anh L. đang quản lý, sử dụng. Việc mở lối đi này cũng không gây ảnh hưởng lớn về mặt hình thể cũng như diện tích đất đối với thửa đất 20.

Bên cạnh thì ngoài lối đi này, chị T. không còn lối đi nào khác để vào thửa đất của mình nên căn cứ quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự, trường hợp “chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu có bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”.

Do đó, yêu cầu khởi kiện buộc anh L. mở lối đi của chị T. là có căn cứ và phù hợp với quy định pháp luật nên có cơ sở chấp nhận.

Theo đó, HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị T., buộc hộ anh L. mở cho chị T. lối đi từ đường đan vào thửa đất 27, diện tích 115m2, loại đất trồng cây lâu năm; chị T. có nghĩa vụ trả cho anh L. giá trị đất và cây trồng trên đất hơn 33,6 triệu đồng.

Bản án đã giải quyết được mâu thuẫn giữa chị T. và anh L. nhưng thâm tình anh em thì không còn nguyên vẹn và người buồn nhất cho sự rạn nứt này có lẽ không ai hơn bà S..

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh