Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) dùng nhiều thủ đoạn để đưa bị hại vào bẫy. Trong đó, thủ đoạn "vay tiền đáo hạn ngân hàng (ĐHNH)" đã khiến nhiều người vì cả tin mà mất số tiền lớn.
(VLO) Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) dùng nhiều thủ đoạn để đưa bị hại vào bẫy. Trong đó, thủ đoạn “vay tiền đáo hạn ngân hàng (ĐHNH)” đã khiến nhiều người vì cả tin mà mất số tiền lớn.
2 bị cáo Trần Thị Thanh Tiền và Nguyễn Thị Mỹ Xuyên trả giá trước pháp luật vì lừa đảo với thủ đoạn “vay tiền đáo hạn ngân hàng”. |
Lợi dụng lòng tin để lừa đảo
Trần Thị Thanh Tiền (SN 1979, ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) từng có thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước, được giao phụ trách công tác đoàn thể, phụ nữ, quản lý nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhờ công việc này, Tiền có điều kiện tiếp xúc, quen biết với các tổ trưởng đại diện vay vốn ở địa phương. Đến năm 2019, Tiền chuyển sang làm việc cho một chi nhánh công ty viễn thông.
Công việc mới là thu tiền cước internet hàng tháng, Tiền có mối quan hệ xã hội ngày càng phong phú, trong số bạn mới của Tiền có anh T.U.. Đây cũng là thời điểm Tiền khó khăn về tài chính, phải vay mượn tiền của nhiều người nên bắt đầu giở trò lừa đảo.
Theo đó, Tiền nói dối anh U. là có quen với cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, đang có chương trình cho hộ nghèo vay vốn giải quyết việc làm. Tiền cho biết cần một số tiền cho các tổ viên vay ĐHNH, cam kết hoàn trả sau 10 ngày.
Đây chỉ là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm lấy lòng tin của anh U. bởi Tiền không quen biết ai như đã nói. Anh U. nể tình chỗ quen biết và tin những lời Tiền nói là thật nên giới thiệu Tiền với anh T.S.N.R. (ngụ huyện Tam Bình). Kết quả, từ tháng 7/2021-6/2022, Tiền nhiều lần vay và chiếm đoạt của anh R. hơn 2,1 tỷ đồng.
Sự việc diễn ra trong thời gian dài, anh R. cho biết vì tin tưởng Tiền thông qua sự giới thiệu của anh U. là người thân trong gia đình nên mới xảy ra cớ sự. Khi cho vay, anh và Tiền thỏa thuận lãi suất vay 1 triệu đồng là 4.000 đ/ngày.
Và để có số tiền lớn cho Tiền vay, anh R. cũng “làm liều” vay của người khác. Còn bị cáo Tiền khi ra tòa luôn cam kết khắc phục hậu quả bằng mọi giá. Đó là phần trách nhiệm dân sự, còn với hành vi phạm tội LĐCĐTS đã gây ra, Tiền bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt mức án 14 năm tù.
Với thủ đoạn tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (SN 1988, ngụ xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) đã đưa 4 bị hại vào bẫy. Xuyên từng là công an viên công tác tại Công an xã Hòa Tịnh. Năm 2021, con Xuyên theo học tại trường do chị N.T.T.T. giảng dạy.
Biết chị T. có khả năng tài chính, khoảng tháng 1-3/2023, Xuyên nhiều lần hỏi vay của chị T. hơn 3,7 tỷ đồng và nói dối là cho người khác vay lại ĐHNH. Sau khi phát hiện mình bị gạt, chị T. và 3 bị hại khác làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Sau khi trừ tiền lãi Xuyên đã trả, cơ quan điều tra kết luận số tiền mà Xuyên chiếm đoạt của 4 bị hại hơn 2,3 tỷ đồng.
Mặc dù tại tòa bị cáo Xuyên thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nhưng với hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền lớn, xâm phạm bất hợp pháp đến tài sản người khác, gây mất an ninh trật tự, HĐXX tuyên phạt bị cáo 13 năm tù.
Tăng cường phòng chống tội phạm lừa đảo
Tình trạng cho vay tiền ĐHNH diễn ra ở nhiều địa phương, khi người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, không có sẵn nguồn tiền lớn để trả nợ vay đúng hạn.
Lợi dụng điều này, các đối tượng tự nhận là “trung gian ĐHNH” để LĐCĐTS. Tại Vĩnh Long, theo đánh giá của UBND tỉnh, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số trường hợp các đối tượng lợi dụng hoạt động cho vay tiền để ĐHNH nhằm thực hiện hành vi LĐCĐTS, với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng là cán bộ đã hoặc đang công tác trong các ngân hàng đã đưa thông tin gian dối, tự nhận là “trung gian ĐHNH”, đưa nhiều thông tin, sử dụng các thủ đoạn gian dối để tạo lòng tin, sau khi vay được số tiền lớn thì chiếm đoạt nhằm mục đích trả nợ hoặc tiêu xài cá nhân dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Mặc dù phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này không mới, nhưng diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự mà còn gây mất lòng tin trong Nhân dân.
Trước thực trạng này, đồng thời chủ động trong công tác phòng chống tội phạm LĐCĐTS, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm LĐCĐTS, trong đó có thủ đoạn vay tiền để ĐHNH, cùng với những hậu quả và các quy định của pháp luật, chế tài xử lý đối với loại tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.
Song song, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án đang thụ lý, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long quản lý, kiểm tra chặt chẽ hoạt động cho vay, ĐHNH, kịp thời nhận diện để phòng ngừa không để các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội.
Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án LĐCĐTS, bảo đảm xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Theo các chuyên gia pháp lý, việc vay để ĐHNH là quan hệ dân sự giữa cá nhân với nhau nhưng có thể phạm tội hình sự nếu người cho vay với mức lãi suất cao.
Đối với người vay ĐHNH nhưng lại sử dụng tiền vào mục đích khác thì bị xử lý tội LĐCĐTS. Do vậy, để tránh rủi ro, người cho vay cần tuân thủ pháp luật về cho vay, lãi suất và cũng cần tìm hiểu kỹ người vay có thực sự có khoản vay đến hạn hay không.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG