Tội phạm lừa đảo, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao gây tổn thất đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tập thể, cá nhân. Cùng với công tác đấu tranh xử lý, tuyên truyền phòng chống tội phạm của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với loại tội phạm này.
Những quảng cáo giúp “lấy lại tiền bị lừa đảo” xuất hiện phổ biến trên các trang mạng xã hội, nếu không cảnh giác sẽ rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo. |
Tội phạm lừa đảo, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao gây tổn thất đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tập thể, cá nhân. Cùng với công tác đấu tranh xử lý, tuyên truyền phòng chống tội phạm của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với loại tội phạm này.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo
Bộ Thông tin-TT thống kê hiện cả nước có hơn 77 triệu người sử dụng internet và hơn 123 triệu thuê bao điện thoại di động. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các thành phần xấu cũng lợi dụng công nghệ để thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chủ yếu là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, an ninh trật tự.
Chỉ tính riêng trong 2 năm (2022-2023), ngành công an đã tiếp nhận, giải quyết 45 tin báo, tố giác về tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 53 tỷ đồng.
Qua công tác điều tra, xác minh các vụ việc xảy ra thì phương thức, thủ đoạn của tội phạm không mới nhưng vẫn có nhiều bị hại mới với nhiều thành phần từ người dân lao động tự do, không có việc làm, có thu nhập thấp đến những người có trình độ, công việc ổn định.
Với chiêu trò hỗ trợ kích hoạt “dịch vụ công”, kẻ lừa đảo thường mạo danh là cán bộ công an, chủ động liên hệ với công dân để thông báo tài khoản định danh của nạn nhân bị lỗi, yêu cầu cài đặt lại phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Nếu nạn nhân bận không thể đến cơ quan nhà nước thì đối tượng có thể hướng dẫn thông qua phương thức online.
Cụ thể, đối tượng sẽ gửi đường link truy cập vào website giả mạo cổng dịch vụ công. Sau khi nạn nhân tin tưởng tải link về và cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, mã độc sẽ chạy ngầm trong thiết bị, cho phép đối tượng theo dõi hoạt động, thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập, mã OTP giao dịch và cho phép đối tượng truy cập trái phép thiết bị từ xa để thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Chị P.T.N. (TT Vũng Liêm) vừa nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an huyện Vũng Liêm “thông báo” CCCD của chị sai thông tin và phải đến ngay cơ quan công an cập nhật lại, nếu không nhà xa hoặc không có thời gian sẽ được hướng dẫn online. “Ban đầu tôi cũng hoang mang nhưng do nhà gần Công an huyện nên tôi nói sẽ trực tiếp đến để được hướng dẫn thì người này tắt máy ngay”- chị N. thuật lại sự việc.
Chị N. còn cho biết thêm, sau khi liên hệ cơ quan công an hỏi về sự việc thì mới biết không có chủ trương này, đồng thời đây cũng là thời gian cơ quan công an tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD để chuẩn bị cho việc triển khai Luật Căn cước.
Gần đây, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Theo đó, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ làm việc tại ngân hàng, chủ động liên hệ với người dân nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Khi liên hệ với người dân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như: địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng.
Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ nạn nhân thực hiện cuộc gọi video nhằm thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ. Sau đó, các đối tượng đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng, chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân rồi chiếm đoạt.
Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm
Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin-TT), các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, với nhiều hình thái mới, tinh vi hơn. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
Gần đây, Cục An toàn thông tin ghi nhận và khuyến nghị người dân cảnh giác trước các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, trong đó có hình thức lừa đảo do các đối tượng thực hiện ở quy mô quốc tế, như: lừa đảo đăng ký học kỳ quân đội, chiếm đoạt mã giảm giá trên Shopee, giả danh thanh tra sở y tế lừa bán thuốc xương khớp, mạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh, lừa đảo việc nhẹ lương cao, lừa đảo lấy lại tiền bị lừa đảo, đánh cắp thông tin doanh nghiệp bằng cách lừa cài mã độc qua email,…
Các hình thức lừa đảo này xuất hiện liên tục, nhất là vào các dịp lễ, sự kiện chính trị- xã hội. Do vậy, Cục An toàn thông tin đã xây dựng và phát hành Cẩm nang về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến, giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông điểm tin tuần về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để kịp thời đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời tới người dân.
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa ban hành kế hoạch tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên không gian mạng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Thực hiện kế hoạch này, các sở ngành, đoàn thể, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp liên quan đến công tác bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng.
Ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền phòng chống tội phạm đến các tầng lớp nhân dân. |
Thông qua các hình thức tuyên truyền trên không gian mạng, trong đó khai thác tối đa ưu thế hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, các hội, nhóm đông thành viên, người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng.
Cùng với đó là các hình thức tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp qua các hoạt động cộng đồng, tuyên truyền thông qua mạng viễn thông, đã từng bước nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác của người dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH