Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã phát đi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới. Theo đó, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh cán bộ ngân hàng, cơ quan quản lý để liên hệ với người dân "hỗ trợ cài đặt dịch vụ xác thực sinh trắc học" nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã phát đi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới. Theo đó, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh cán bộ ngân hàng, cơ quan quản lý để liên hệ với người dân “hỗ trợ cài đặt dịch vụ xác thực sinh trắc học” nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa xác thực sinh trắc học. |
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ 1/7/2024, các giao dịch như chuyển tiền qua tài khoản, nạp tiền vào ví điện tử... trên 10 triệu đồng/lần; hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày, người dân phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.
Ngoài ra, trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng điện tử (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, người dân cũng phải được nhận dạng xác thực sinh trắc học.
Để thực hiện giao dịch tuân thủ theo Quyết định 2345, người dân, khách hàng cần bổ sung và cập nhật thông tin sinh trắc học với các ngân hàng bằng 2 phương thức: Qua ứng dụng ngân hàng điện tử (mobile banking app) hoặc trực tiếp tới chi nhánh/phòng giao dịch.
Đại diện lãnh đạo SHB cho biết: Lợi dụng bối cảnh người dân tiến hành bổ sung/cập nhật thông tin sinh trắc học, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ quản lý cơ quan Nhà nước, liên hệ người dân “hỗ trợ" nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin.
Cụ thể, các đối tượng liên hệ người dân bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) để “giả hướng dẫn” thu thập thông tin sinh trắc học.
Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, hoặc có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ, dáng điệu...
Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng lạ trên điện thoại. Những ứng dụng/phần mềm chứa mã độc này có giao diện, hình ảnh gần tương tự với ứng dụng chính thống của Bộ Công an, Cơ quan quản lý Nhà nước hay các tổ chức tín dụng.
Khi lấy được thông tin, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của người dân vào các mục đích xấu khác như vay tiền, ghi nợ, cá độ...
Trước diễn biến phức tạp và hành động tinh vi của các đối tượng lừa đảo, SHB một lần nữa khuyến cáo tới khách hàng: CHỈ cập nhật dữ liệu sinh trắc học thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử SHB Mobile/SHB SAHA hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch SHB trên toàn quốc. KHÔNG cung cấp, cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hoặc ứng dụng khác.
Đặc biệt, khách hàng tuyệt đối KHÔNG cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, thông tin cá nhân, hình ảnh căn cước công dân, dữ liệu sinh trắc học... cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng.
“SHB không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat như Zalo, Viber, Facebook,…”, đại diện lãnh đạo SHB nhấn mạnh.
Là một trong 4 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam với hơn 92% số lượng giao dịch thực hiện trên kênh số, SHB nhận thấy sự cấp thiết của việc thực thi Quyết định 2345 để bảo vệ khách hàng khi giao dịch trực tuyến.
Trong 3 năm gần đây, SHB đã tăng cường hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường bảo mật dữ liệu, quản trị rủi ro để tạo nền tảng quan trọng cho các kế hoạch chuyển đổi tiếp theo.
SHB cũng đang triển khai mạnh mẽ và toàn diện Chiến lược Chuyển đổi 2024-2028, tăng tốc số hóa và ứng dụng công nghệ vào tất cả hoạt động, liên tục nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, mô hình hiện đại, đồng thời tiếp tục kiên định với định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.
Theo HỒNG ANH/Báo điện tử Nhân dân