Mâu thuẫn do tranh chấp đất đai với con dâu, cha chồng lén lút phun thuốc diệt cỏ làm thiệt hại hơn 2 công lúa.
Mâu thuẫn do tranh chấp đất đai với con dâu, cha chồng lén lút phun thuốc diệt cỏ làm thiệt hại hơn 2 công lúa.
Chị X. là con dâu của Thạch H. (SN 1958, ngụ huyện Tam Bình) và giữa 2 người có mâu thuẫn vì tranh chấp đất đai. Sự việc xảy ra vào ngày 6/6/2023, người dân phát hiện Thạch H. lén lút phun thuốc diệt cỏ lên ruộng lúa của vợ chồng ông P.. Khi họ đến kiểm tra thì một phần diện tích lúa đã có dấu hiệu héo úa và cháy lá nên trình báo sự việc với cơ quan công an. Vợ chồng ông P. trình bày, lúa mới gieo sạ khoảng 2 tháng, đang trổ bông và sinh trưởng bình thường. Ông P. còn cho biết thêm, phần đất mà ông canh tác là thuê của chị X. với tổng diện tích hơn 4,4 công, trong đó ông dành hơn 3 công trồng lúa.
Cơ quan điều tra mời làm việc, Thạch H. thừa nhận nguyên nhân dẫn đến hành động nông nổi trên là do mâu thuẫn tranh chấp đất đai với chị X.. Theo đó, chồng chị X. không may qua đời vào năm 2019 thì khoảng 1 tuần sau chị bị cha chồng đuổi ra khỏi nhà và chiếm lấy 2 thửa đất. Đây là tài sản thừa kế của anh B. (chồng chị X.) và chị L., cả hai đều là con ruột của Thạch H..
Cuối năm 2020, chị X. khởi kiện ra TAND huyện Tam Bình yêu cầu được sở hữu tài sản mà cha chồng chiếm đoạt. Vụ án được đưa ra xét xử vào tháng 1/2022, chị X. được giao 2 thửa đất tổng diện tích hơn 4.400m² nhưng có nghĩa vụ trả cho Thạch H. phần giá trị thừa kế hơn 124 triệu đồng, trả cho chị L. số tiền còn lại của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hơn 8 triệu đồng. Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tam Bình cưỡng chế giao tài sản trên cho chị X. và chị cũng đã nộp đầy đủ số tiền theo bản án.
Tháng 1/2023, vợ chồng ông P. thuê lại hơn 4 công đất này của chị X. để trồng lúa. Tuy nhiên, Thạch H. không đồng ý với nội dung bản án, vẫn nhất quyết cho rằng thửa đất mà vợ chồng ông P. canh tác là của mình nên âm thầm mua thuốc diệt cỏ phun lên ruộng lúa, mục đích làm lúa chết để Thạch H. lấy lại đất.
Sáng sớm ngày 6/6/2023, Thạch H. mang bình xịt và một chai thuốc diệt cỏ (loại thuốc khai hoang không rõ nhãn hiệu) ra đồng rồi pha với liều lượng 3 nắp chai thuốc pha với 10-15 lít nước. Phun được hơn 2 bình trên diện tích hơn 2 công thì hết thuốc, Thạch H. ném bỏ vỏ chai thuốc xuống mương, rửa bình phun rồi đi bộ về nhà.
Cơ quan điều tra lấy mẫu lúa gửi giám định và kết quả các mẫu này đều chứa thành phần Diquat Dibromide. Theo Phân viện Khoa học hình sự của Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh, đây là thuốc trừ cỏ tiếp xúc không chọn lọc, được hiểu là không phân biệt cỏ dại, cây lúa nước hay cây trồng khác. Như vậy cây lúa chết là do tác dụng của Diquat Dibromide. Xác định đủ căn cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Tam Bình) quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thạch H. để điều tra hành vi hủy hoại tài sản theo khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Tại tòa, bị cáo Thạch H. nói rất sợ và rất hối hận vì hành động thiếu kiềm chế, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt và hứa không tái phạm. Bị cáo cũng tự nguyện bồi thường thiệt hại cho vợ chồng ông P. với số tiền hơn 8,5 triệu đồng.
Chỉ vì mâu thuẫn với con dâu mà Thạch H. dùng thuốc diệt cỏ phá hoại ruộng lúa nhằm gây áp lực đòi lại tài sản là hành vi sai trái và vi phạm pháp luật. Hơn nữa, phía chịu thiệt hại là vợ chồng ông P.- người không liên quan gì đến sự việc đôi bên. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra là không lớn và bị cáo đã ăn năn hối lỗi cùng nhiều tình tiết giảm nhẹ khác nên HĐXX của TAND huyện Tam Bình tuyên phạt bị cáo Thạch H. 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 1 năm vì tội “Hủy hoại tài sản”.
TRUNG HƯNG