Lợi dụng quy định yêu cầu cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến có hiệu lực từ ngày 1/7, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên ngân hàng, chủ động liên hệ với người dùng và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng quy định yêu cầu cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến có hiệu lực từ ngày 1/7, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên ngân hàng, chủ động liên hệ với người dùng và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo mạo danh ngân hàng, hướng dẫn người dùng xác thực sinh trắc học |
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, khi liên hệ với người dùng dịch vụ ngân hàng, đối tượng mạo danh yêu cầu cung cấp các dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng.
Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ người dân thực hiện cuộc gọi video để thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân. Sau khi thành công đánh cắp dữ liệu, đối tượng dễ dàng đăng nhập được vào các ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến và thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, có đối tượng còn lừa người dân tải ứng dụng giả mạo có chứa mã độc qua đường link đính kèm tin nhắn. Khi nạn nhân tải ứng dụng này, đối tượng dễ dàng theo dõi các thao tác mà nạn nhân thực hiện trên thiết bị của mình, từ đó khai thác sâu hơn các thông tin quan trọng.
Trước chiêu lừa mới này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận tin nhắn, cuộc gọi hướng dẫn cập nhật dữ liệu sinh trắc học.
Khi có cá nhân tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan công an gọi điện, người dân cần xác minh và không nên bấm vào các đường link lạ, không cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định.
Cài ứng dụng dịch vụ công trực tuyến giả, bị chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng
Một người dân sống tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa bị đối tượng mạo danh công an lừa chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng, với chiêu trò hướng dẫn cài ứng dụng dịch vụ công trực tuyến giả mạo. Ứng dụng giả mạo này được đối tượng lừa đảo gửi đường link đính kèm trong tin nhắn, sau khi liên hệ và thông báo tài khoản định danh của nạn nhân bị lỗi, phải cài ứng dụng để được hỗ trợ từ xa.
Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn, kẻ lừa đảo chiếm được quyền điều khiển thiết bị, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Thủ đoạn lừa cài phần mềm dịch vụ công giả mạo đã liên tục được các lực lượng chức năng cảnh báo, song đến nay vẫn có những người dân bị lừa mất hàng tỷ đồng.
Cục An toàn thông tin đề nghị người dân không truy cập đường link lạ. Khi nhận được thông báo liên quan tới việc sử dụng phần mềm dịch vụ công, người dân chỉ nên tải ứng dụng từ nguồn chính thống như các kho ứng dụng AppStore, CH Play.
Lừa đảo bình chọn ca sĩ, nghe nhạc online
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước tiếp nhận đơn trình báo về vụ việc bà L.H.T (trú tại phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành) bị tội phạm công nghệ cao dụ dỗ giới thiệu việc làm rồi lừa đảo hơn 2,3 tỷ đồng.
Được biết, nạn nhân được các đối tượng liên hệ thông qua nền tảng mạng xã hội Telegram. Đối tượng kết bạn và gửi tin nhắn giới thiệu việc làm tại nhà, hứa hẹn kiếm tiền mà không mất bất kỳ một khoản phí nào.
Nội dung công việc vô cùng đơn giản, yêu cầu bà T nghe các bài nhạc được chỉ định, đăng nhập và bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ, sau đó chụp màn hình và gửi lại. Mỗi lượt bình chọn sẽ nhận được 35.000 đồng.
Sau khi đồng ý tham gia, nạn nhân được các đối tượng gửi đường dẫn truy cập vào ứng dụng Zing Mp3 giả mạo. Khi làm theo hướng dẫn, bà T nhận được ngay 100.000 đồng cho những lần bình chọn đầu tiên.
Sau đó, kẻ lừa đảo hướng dẫn bà T kết bạn với người dùng "Nguyễn Duy Hải" để hướng dẫn cách thức gia tăng số tiền nhận được sau mỗi lần bình chọn và yêu cầu bà T đặt cọc 200.000 đồng, hứa hẹn sẽ nhận được 80.000 đồng cho mỗi lần bình chọn.
Sau đó, bà T được đối tượng thông báo tham gia vào "Nhóm bỏ phiếu Zingmp3" nhằm thực hiện hợp đồng cam kết để được hưởng lợi nhuận từ 40-50%.
Bà T đã tham gia làm nhiệm vụ "Lượt bình chọn 1" và vào đường link (do đối tượng gửi trên nhóm) để bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ M.T. Để có được 50 điểm bình chọn, các đối tượng yêu cầu bà T. phải nộp số tiền cọc tương ứng 5 triệu đồng, nói rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ trả lại tiền.
Do muốn được hưởng lợi nhuận nhiều nên bà T liên tiếp tham gia các nhiệm vụ 2, 3, 4, 5 và 6 với số tiền nộp ngày càng nhiều hơn và số điểm thưởng ngày càng gia tăng (850 điểm tương ứng với số tiền thưởng là 127 triệu đồng).
Sau 19 lần tham gia bình chọn, bà T đã đặt cọc 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Khi có nhu cầu rút tiền, các đối tượng liên tục đưa ra lý do nhằm trì hoãn thủ tục rút tiền của bà T. Phát hiện thấy có dấu hiệu lừa đảo, bà T đã nhanh chóng đến cơ quan công an để trình báo.
Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các lời mời gọi, dụ dỗ tham gia vào các công việc kiếm tiền tại nhà.
Khi nhận được tin nhắn đến từ đối tượng lạ thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram,... người dân tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc hoặc bất kỳ khoản phí nào khi chưa xác minh được danh tính của đối tượng.
Khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các đoạn hội thoại, thông tin của đối tượng, sau đó trình báo với các cơ quan công an địa phương nhằm truy vết và kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Theo HM/Báo điện tử Chính phủ