Hàng xóm mất vui vì mương thoát nước

12:07, 09/07/2024

Khi chuyển nhượng đất, hai bên không ghi nhận có việc thỏa thuận chừa mương thoát nước nên phát sinh tranh chấp và kiện nhau ra tòa.

(VLO) Khi chuyển nhượng đất, hai bên không ghi nhận có việc thỏa thuận chừa mương thoát nước nên phát sinh tranh chấp và kiện nhau ra tòa.

Năm 2000, ông N.V.N. chuyển nhượng một phần đất thuộc thửa 239 cho ông N.V.M. (ở TX Bình Minh) và có làm giấy tay mua bán.

Thửa đất trên do mẹ ông N. là cụ P.T.H. đứng tên quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng khi ông N. chuyển nhượng thì cụ H. không biết.

Đến năm 2002, cụ H. phát hiện sự việc nhưng vì ông N. đã nhận tiền của ông M. nên vẫn đồng ý ký tên vào giấy chuyển nhượng.

Giáp ranh với thửa đất chuyển nhượng cho ông M. là mương nước được gia đình cụ H. sử dụng để dẫn nước vào ruộng.

Lúc làm giấy tay chuyển nhượng đất, hai bên không ghi thỏa thuận chừa đường thoát nước diện tích bao nhiêu nên khi đăng ký đo đạc theo chương trình VLAP thì phát sinh tranh chấp.

Trong đơn kiện gửi TAND TX Bình Minh, cụ H. trình bày: Mương dẫn nước vào ruộng thuộc QSDĐ của gia đình cụ rất lâu đời.

Mặc dù văn bản chuyển nhượng đất không có ghi chừa phần mương thoát nước nhưng hai bên có thỏa thuận miệng là cụ H. chỉ đồng ý chuyển nhượng đất cho ông M. và chừa mương dẫn nước vào ruộng ngang 2,5m, dài khoản 31,8m từ đường đan chạy dài cặp đất của ông M., có người ở cùng xóm chứng kiến.

Đến tháng 6/2021, ông M. đổ vật tư xây hàng rào đã lấn phần mương của cụ H. nên cụ H. khởi kiện yêu cầu ông M. trả lại phần đất có đường nước tại chiết thửa số 239, diện tích 29,8m2.

Ông M. không đồng ý với lý do: Năm 2002, ông N. là con cụ H. chuyển nhượng cho ông phần đất thuộc thửa 239, có làm giấy tay và ông đã giao đủ tiền, nhận đất canh tác từ năm 2002 đến nay.

Khi nhận chuyển nhượng đất, trong giấy tay không có ghi chừa mương nước ngang 2,5m mà hai bên chỉ thỏa thuận miệng là giữ nguyên hiện trạng mương nước cho gia đình cụ H., mương nước đó đến nay vẫn còn như cũ, gia đình ông không lấn ranh hay ngăn đường nước.

Từ tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, HĐXX cho rằng: Nguồn gốc thửa đất tranh chấp trước đây do cụ H. đứng tên QSDĐ.

Đến năm 2000, con của cụ H. chuyển nhượng một phần đất cho ông M. và hai bên đã hoàn tất thủ tục tách thửa, được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định.

Tại công văn phúc đáp ngày 7/2/2024 của Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Long cũng xác định, phần đất tranh chấp gồm đất, ranh đất và mương nước giữa hộ cụ H. và ông M. có tổng diện tích 29,8m2. Trong đó, có 29m2 thuộc thửa 239 thuộc QSDĐ của ông M. và 0,8m2 thuộc thửa 180 do cụ H. đứng tên.

Ngoài ra, theo tờ giấy tay mua bán giữa ông N., cụ H. với ông M. thì không ghi nhận có việc thỏa thuận chừa mương thoát nước ngang 2,5m, dài hết thửa đất.

Qua xem xét thẩm định tại chỗ thì đường thoát nước hiện hữu vẫn còn dẫn vào thửa đất 180 của gia đình cụ H. nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu ông M. trả lại diện tích đất 29m2 làm đường thoát nước của cụ H..

Do đó, HĐXX đã tuyên công nhận cho hộ cụ H. được quyền sử dụng diện tích 0,8m2 là đường nước hiện hữu gia đình cụ H. đang sử dụng.

Phần đất 29m2 còn lại thuộc thửa 239, ông M. được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ đúng quy định nên không phải giao trả cho gia đình cụ H..

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh