Mua xe máy không rõ nguồn gốc rồi gắn biển số, làm giấy tờ giả đem cầm cố lấy tiền chia nhau tiêu xài, 4 bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
(VLO) Mua xe máy không rõ nguồn gốc rồi gắn biển số, làm giấy tờ giả đem cầm cố lấy tiền chia nhau tiêu xài, 4 bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
4 bị cáo: Phạm Nhựt Trường, Phan Phúc Hậu, Phạm Hoàng Đăng và Lê Minh Khang (cùng SN 2001 và ngụ tỉnh Đồng Tháp). Hành vi phạm tội của các bị cáo bắt đầu từ khoảng tháng 6/2022.
Theo đó, thông qua mạng xã hội, các bị cáo trao đổi việc mua bán các xe không giấy tờ hợp pháp, không rõ nguồn gốc từ đối tượng Nguyễn Quang Thắng (SN 1997) từ TP Hồ Chí Minh đem về nhà trọ của Đăng ở huyện Châu Thành và nhà trọ của Trường ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cất giấu.
Tiếp đến, Trường giao “nhiệm vụ” cho Khang và Đăng lắp biển số giả rồi dùng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, CCCD giả đem cầm cho các cửa hàng ở tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long. Riêng tại Vĩnh Long, với thủ đoạn này các bị cáo cầm 9 xe máy cho 2 cửa hàng ở huyện Tam Bình.
Quá trình điều tra, Trường, Đăng và Khang khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, riêng Hậu luôn quanh co chối tội và không thừa nhận hành vi.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác, kết luận giám định, kết quả sao kê giao dịch qua tài khoản ngân hàng đã chứng minh hành vi của Hậu có vai trò là đồng phạm trong việc đặt mua xe không rõ nguồn gốc, giấy đăng ký xe, CCCD, biển số xe giả để đem cầm cố 9 xe máy, lừa đảo chiếm đoạt 261 triệu đồng.
Mỗi CCCD do Hậu đặt mua thông qua mạng xã hội với giá 1,2 triệu đồng, trong đó các thông tin cá nhân đều là giả, riêng hình ảnh trên các CCCD là của các bị cáo.
Biển số xe giả và chứng nhận đăng ký xe cũng do các bị cáo nghĩ ra rồi đặt mua qua mạng xã hội với giá từ 300.000đ đến 1,2 triệu đồng. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra mời Nguyễn Quang Thắng làm việc và đối tượng thừa nhận đã bán xe máy cho các bị cáo như đã nêu.
Việc trao đổi mua bán được thực hiện qua mạng xã hội, sau đó các bị cáo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho Thắng.
Nhận được tiền, Thắng gửi xe máy thông qua xe khách từ TP Hồ Chí Minh về Đồng Tháp. Xe cũng được Thắng mua lại từ hội nhóm trên mạng xã hội và đều không rõ nguồn gốc.
Cơ quan điều tra xác minh phát hiện đây là tài sản có được do trộm cắp. Với hành vi này, Thắng bị Công an quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) khởi tố tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, giữa các bị cáo có sự bàn bạc, thống nhất và phân công nhiệm vụ chặt chẽ. Trong đó, bị cáo Trường và Hậu giữ vai trò chính trong việc đặt mua xe và các giấy tờ giả, biển số xe giả, phân công cho bị cáo Đăng và Khang trực tiếp đi cầm để chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân về tài sản, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
Hành vi này không những gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương mà còn góp phần tiếp tay cho các loại tội phạm khác. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần thể hiện sự xem thường sự trừng phạt của pháp luật.
Từ những nhận định này, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trường 8 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 năm tù vì tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp mức hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành là 12 năm tù.
Cùng phạm 2 tội này, bị cáo Hậu bị phạt 12 năm tù, Đăng và Khang mỗi bị cáo 10 năm tù. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng quyết định tách vụ án để tiếp tục xác minh, điều tra đối với các bị cáo về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 3, Điều 323 Bộ luật Hình sự.
TRUNG HƯNG