Một vụ kiện dân sự mà các đương sự đều là người thân trong gia đình. Trong đó, bị đơn và nguyên đơn là cậu cháu, vì tờ di chúc để lại tài sản mà phát sinh tranh chấp phải nhờ đến tòa án giải quyết.
Một vụ kiện dân sự mà các đương sự đều là người thân trong gia đình. Trong đó, bị đơn và nguyên đơn là cậu cháu, vì tờ di chúc để lại tài sản mà phát sinh tranh chấp phải nhờ đến tòa án giải quyết.
Theo nguyên đơn là chị N.T.T.K. (ngụ huyện Vũng Liêm), sự việc xảy ra vào tháng 11/2018, khi đó ông T.V.C. cho ông T.V.Đ. vay 400 triệu đồng không lãi suất, có làm biên nhận nợ và mẹ chị là người chứng kiến.
Ông Đ. và ông C. đều là cậu ruột của chị K.. Ông Đ. hứa trong các ngày 22/11/2019 và 22/11/2020 trả nợ, mỗi lần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 27/7/2022 ông C. qua đời, ông Đ. vẫn chưa thực hiện được cam kết. Cũng theo trình bày của chị K., trước khi qua đời khoảng 1 tháng, ông C. viết di chúc cho chị được hưởng 400 triệu đồng là số tiền mà ông Đ. còn nợ. Di chúc có sự chứng thực của chính quyền địa phương nhưng cậu không thực hiện nên chị K. làm đơn khởi kiện.
Trong khi đó, anh T. (con ông Đ.) thì nói số tiền trên thực tế là do anh mượn, cha anh chỉ là người ký tên, nhận tiền giùm. Do đi học rồi làm ăn xa nhà, anh không có điều kiện về quê nên nhờ cha đứng ra mượn tiền thay, không ngờ xảy ra tranh chấp kéo dài. Nhận được tiền, ông Đ. đưa hết cho anh T..
Cũng vì lý do này mà ông Đ. cho rằng mình không có trách nhiệm phải trả tiền theo yêu cầu khởi kiện của cháu. Vụ kiện được TAND đưa ra xét xử sơ thẩm và chị K. thắng kiện. Tòa buộc vợ chồng ông Đ. phải có trách nhiệm trả chị K. 350 triệu đồng. Đình chỉ một phần yêu cầu của chị K. đối với số tiền 50 triệu đồng.
Vợ chồng ông Đ. sau đó kháng cáo yêu cầu làm rõ di chúc, vì khi chị K. đưa đi làm di chúc ông C. “lúc tỉnh, lúc mê”. Tuy nhiên, HĐXX của TAND tỉnh nhận định di chúc phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự. Tại phần chứng thực của di chúc có ghi nhận: Tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu và chứng thực, ông C. minh mẫn, sáng suốt, nhận thức và làm chủ được hành vi, tự nguyện lập di chúc và đã ký vào di chúc trước sự chứng kiến của cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
Đồng thời khi lập di chúc ông C. có giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế kết luận ông đủ điều kiện làm di chúc. Trong khi đó, các bị đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh ông C. không minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc. Mặt khác. hàng thừa kế của ông C. chưa phát sinh tranh chấp nên di chúc phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ những nhận định này, tòa chấp nhận khởi kiện của chị K., buộc vợ chồng ông Đ. phải trả cho chị 350 triệu đồng, như cấp sơ thẩm đã tuyên. Có thể thấy, những gì ông Đ. trình bày đều phù hợp nội dung di chúc.
Ông cũng là người nhận tiền và ký vào biên nhận. Còn việc ông nói mượn tiền giùm con nhưng không có gì chứng minh nên tòa buộc ông phải có nghĩa vụ trả nợ là điều hiển nhiên. Đây cũng là bài học đắt giá không chỉ riêng các đương sự mà những ai đang có nhu cầu vay mượn thông qua các giao dịch dân sự để tránh những tranh chấp không đáng có.
TRUNG HƯNG