Tranh chấp đất vì không sang tên

Cập nhật, 14:48, Thứ Ba, 11/06/2024 (GMT+7)

Sử dụng đất trên 30 năm nhưng không thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký sang tên theo quy định nên khi phát sinh tranh chấp, đôi bên không thể giải quyết phải đưa nhau ra tòa phân xử.

Ông N.A.V. và ông B.B.T. (ở TX Bình Minh) có mối quan hệ bà con bạn dì. Hơn 30 năm trước, ông V. nhận chuyển nhượng 1.540m2 đất lúa từ mẹ ông T. thể hiện bằng tờ chuyển nhượng đất ngày 16/3/1990.

Ông V. sử dụng đất ổn định đến năm 2002 thì Nhà nước thu hồi một phần để làm đường dẫn cầu Cần Thơ nên diện tích đất còn lại là 726m2. Ông V. sử dụng phần đất này trên 30 năm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhưng vì nghĩ bà con ruột thịt nên chưa thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký sang tên theo quy định.

Đến năm 2020, ông V. đăng ký kê khai thì ông T. ngăn cản. Lúc này, do mẹ ông T. đã chết, không có người đối chứng nên ông V. khởi kiện yêu cầu ông T. là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng từ mẹ ruột tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) ngày 16/3/1990 và công nhận diện tích đất 726m2 thuộc thửa 11 cho ông.

Phía ông T. cho rằng, phần đất tranh chấp có nguồn gốc từ ông bà bên ngoại để lại cho mẹ ông T. đứng tên. Năm 1988, mẹ ông T. bán cho ông V. diện tích đất 1.500m2 chứ không phải 1.540m2. Lúc bán đất có làm giấy tay do chính ông T. viết và ký tên vì mẹ ông không biết chữ.

Sau đó, giấy mua bán đất được giao cho ông V. giữ nhưng không biết lý do gì ông V. lại làm thêm tờ chuyển nhượng ngày 16/3/1990 cho rằng mẹ ông T. chuyển nhượng 1.540m2. Do tờ chuyển nhượng này không đúng sự thật, các chữ ký của ông và mẹ ông trên tờ chuyển nhượng đất ngày 16/3/1990 là giả mạo nên ông không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông V..

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TX Bình Minh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V., công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 16/3/1990 giữa mẹ ông T. và ông V. có hiệu lực pháp luật và công nhận diện tích đất 726m2 thuộc quyền sử dụng của ông V..

Những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông T. không đồng ý với phán quyết trên nên gửi đơn kháng cáo và yêu cầu này đã được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận.

Theo đó, HĐXX cho rằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa mẹ ông T. và ông V. chưa đủ cơ sở công nhận toàn bộ thửa 11 cho ông V. vì hợp đồng thể hiện bằng giấy viết tay không được công chứng, chứng thực nên vi phạm về hình thức. Lẽ ra, hợp đồng sẽ bị vô hiệu toàn bộ nhưng phía ông T. vẫn đồng ý công nhận cho ông V. phần đất thể hiện trên chiết thửa 11-2 diện tích 630,4m2 nên được chấp nhận.

Xét phía ông T. trình bày, mẹ ông T. không chuyển nhượng toàn bộ thửa đất 11 cho ông V. mà chừa lại một phần là có căn cứ. Bởi tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 6/3/2024, thể hiện phần chiếc thửa 11-2 có diện tích thực đo 95,6m2 vẫn do phía gia đình ông T. quản lý và cất nhà ở, trồng cây lâu năm, rào lưới B40 xung quanh, trước nay ông V. không sử dụng phần đất này nên công nhận cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông T. là đúng quy định pháp luật.

Mặt khác, theo văn bản phản hồi ngày 15/4/2024 của UBND TX Bình Minh thì phần đất Nhà nước thu hồi đã bồi thường cho ông V. có diện tích 930m2 cộng diện tích đất ông V. đang quản lý 630,4m2 tổng cộng là 1.560,4m2 vượt hơn diện tích ông V. cho rằng đã nhận chuyển nhượng 1.540m2 nhưng phía bị đơn vẫn thống nhất công nhận diện tích đất này là có lợi cho ông V..

Do đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông V., công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 16/3/1990 giữa mẹ ông T. và ông V. có hiệu lực pháp luật nhưng chỉ công nhận cho ông V. được quyền sử dụng 630,4m2 đất thuộc chiếc thửa 11-1, còn những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông T. được QSDĐ thửa 11-2 diện tích 95,6m2.

Phiên tòa kết thúc, mâu thuẫn 2 nhà coi như đã được giải quyết nhưng điều đáng tiếc là giá như thời điểm chuyển nhượng đất, đôi bên thực hiện thủ tục đăng ký, sang tên đúng quy định thì thâm tình ruột thịt của anh em ông V. và ông T. đã không sứt mẻ.

DIỄM PHƯỢNG