Để ổn định thị trường hàng hóa, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)…
(VLO) Để ổn định thị trường hàng hóa, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)…
Tăng cường quản lý thị trường góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. |
Vi phạm quy mô tuy nhỏ, nhưng thủ đoạn tinh vi
Theo đánh giá của Cục QLTT tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến khó lường, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn phức tạp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xác minh và xử lý; nhất là hành vi lợi dụng các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm,
Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT thường xuyên theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa; tập trung quản lý địa bàn đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị và vật tư y tế, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất. Qua các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hàng cấm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền SHTT…
Trong đó, hàng hóa vi phạm được phát hiện chủ yếu là thuốc lá điếu, thuốc đông y, phân bón, thuốc BVTV, vàng trang sức, lương thực, thực phẩm… nhiều vụ việc đã chuyển cho cơ quan chức năng điều tra xem xét, xử lý hình sự.
Điển hình như các đội QLTT đã kiểm tra, phát hiện 96 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa (chiếm gần 39% trong tổng số vụ việc được kiểm tra trong 6 tháng đầu năm), xử lý 93 vụ (kể cả vụ tồn đọng), 97 hành vi (gồm các hành vi: buôn bán hàng hóa có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật; cung cấp thông tin không trung thực về chất lượng sản phẩm…), phạt hành chính 583 triệu đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tang vật vi phạm trị giá gần 2,8 tỷ đồng.
Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, các đội QLTT lồng ghép công tác tuyên truyền cho 307 cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng theo giá niêm yết; không đầu cơ, găm hàng, tăng giá vượt mức quy định; không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng...
Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Thời gian qua, lực lượng QLTT tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhìn chung tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh không nổi cộm nhưng nguồn hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định có nguồn gốc rất phức tạp, do lợi nhuận cao nên nhiều người vẫn bất chấp pháp luật khiến hành vi vi phạm còn diễn ra phổ biến, quy mô tuy nhỏ nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Cần quyết liệt kiểm tra, kiểm soát thị trường
Cục QLTT tỉnh dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình thị trường hàng hóa và giá cả trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, lượng hàng hóa lưu thông phong phú, đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân, không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến hay khan hiếm hàng hóa cục bộ.
Theo đó, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm nhãn hàng hóa… góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.
Theo ông Lê Thanh Phong, thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình giá cả hàng hóa, nắm bắt thông tin về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Tiếp tục triển khai kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mặt hàng vật tư nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Góp phần phòng ngừa hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo hình thức đa cấp, kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, xử lý theo quy định pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 311 vụ, phát hiện vi phạm và đã xử lý 201 vụ với số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,5 tỷ đồng cùng 2.546 bao thuốc lá điếu nhập lậu (1bao=20 điếu). Thu nộp ngân sách gần 2,2 tỷ đồng. Chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét và khởi tố vụ án hình sự 3 vụ việc về buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng. |
Bài, ảnh: THIỆN CHÍ