Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
(VLO) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Với luật này, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được xây dựng, kiện toàn, củng cố sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Cùng với công an chính quy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Ảnh tư liệu minh họa |
Kiện toàn 3 lực lượng, làm nòng cốt hỗ trợ công an chính quy
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị quán triệt và các nhiệm vụ công tác trọng tâm để triển khai thi hành luật, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay, luật được ban hành đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Về bố trí lực lượng, luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của luật này.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được bố trí thành tổ bảo vệ ANTT, địa bàn phụ trách là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định: Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT.
Mặt khác, do địa bàn cấp xã nhiều nơi có diện tích rộng, số lượng dân cư lớn nên cần thiết sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT.
Qua đó mới có thể bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở, chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ, việc liên quan đến ANTT.
Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Theo quy định của luật, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Luật cũng quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu của từng vùng miền.
Quy định quan hệ công tác với HĐND, UBND, công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.
Một trong các nhiệm vụ quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, được nêu trước tiên trong luật là hỗ trợ nắm tình hình về ANTT.
Cụ thể, hỗ trợ công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về ANTT, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của công an cấp xã.
Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về ANTT, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách phải báo ngay cho công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, theo thiếu tướng Phạm Công Nguyên- Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), lực lượng tham gia bảo ANTT ở cơ sở có các nhiệm vụ: hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ PCCC, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, ATGT; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị trực thuộc bộ đã xây dựng dự toán kinh phí, trang phục, phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ, chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nội dung cơ bản của luật và tích cực tham mưu, chuẩn bị các điều kiện triển khai ngay sau khi luật có hiệu lực thi hành.
Về chế độ, chính sách, luật quy định người đã tham gia BHXH, BHYT và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Người chưa tham gia BHYT mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Người chưa tham gia BHXH mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH