Người thắng kiện, kẻ vướng vòng lao lý

04:06, 21/06/2024

Hụi là hình thức huy động vốn trong nội bộ Nhân dân và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, do dựa trên sự tin tưởng, có khi không giấy tờ, sổ sách rõ ràng nên việc chơi hụi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp, thưa kiện, thậm chí phải xử lý hình sự.

(VLO) Hụi là hình thức huy động vốn trong nội bộ Nhân dân và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, do dựa trên sự tin tưởng, có khi không giấy tờ, sổ sách rõ ràng nên việc chơi hụi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp, thưa kiện, thậm chí phải xử lý hình sự.

Kiện hụi viên đòi “hụi chết”

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp vốn, quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, quy định về nguyên tắc tổ chức, điều kiện, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của hụi viên và chủ hụi.

Một trong những quy định đáng chú ý được nêu rõ trong nghị định là: Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản.

Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định.

Dù vậy, do tin tưởng hoặc hạn chế kiến thức về pháp luật nên không ít hụi viên và chủ hụi xảy ra tranh chấp, thưa kiện. Như trường hợp của ông Đ.V.L. (huyện Bình Tân) là chủ hụi, còn bà T.T.T.V. là hụi viên.

Dành dụm được số tiền, bà V. trích một phần chơi hụi với mong muốn kiếm đồng lời trang trải cuộc sống. Dù vậy, khi hốt hụi xong, bà V. không đóng “hụi chết”, còn ông L. vì nể tình chỗ quen biết nên bỏ tiền túi đóng giùm.

Mãn hụi, ông L. “kết sổ” thì bà V. nợ ông hơn 150 triệu đồng. Ông L. làm biên nhận cho bà V. ký, kèm theo cam kết mỗi ngày trả 300.000đ đến khi hết nợ.

Bà V. trả được mấy tháng, tổng cộng hơn 26 triệu đồng rồi… lặn biệt tăm. Nhiều lần tìm cách liên hệ đòi số tiền còn lại hơn 124 triệu đồng nhưng bà V. luôn cố tình né tránh nghĩa vụ, ông L. làm đơn kiện.

Đến khi tòa triệu tập phục vụ việc xét xử bà V. cũng không đến. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, biên nhận nợ, tòa nhận định số tiền bà V. nợ là có thật như nguyên đơn trình bày nên buộc bà phải hoàn trả.

TAND huyện Vũng Liêm cũng vừa xét xử 2 vụ tranh chấp hợp đồng góp hụi với cùng 1 nguyên đơn là bà N.T.K.T.. đối với 2 bị đơn là Đ.K.Th. và V.T.M.T..

Bà T. cho biết, 2 bị đơn đều là hụi viên của bà, họ tham gia nhiều dây hụi tháng có mệnh giá từ 2-5 triệu đồng.

Sau khi hốt hụi, 2 hụi viên chỉ đóng được vài lần “hụi chết” buộc bà phải đứng ra đóng thay nhằm duy trì sự ổn định của dây hụi và quyền lợi của các hụi viên khác. Sự việc kéo dài, bà T. cũng không thể bỏ tiền túi mãi nên khởi kiện ra tòa, đòi 2 hụi viên phải trả cho bà tổng cộng hơn 300 triệu đồng.

Chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), hụi là một hoạt động theo tập quán của người dân, nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau, dựa trên những ràng buộc về niềm tin, lợi ích và quy định pháp luật.

Hình thức này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự, hành chính và hình sự để phòng ngừa các vi phạm, biến tướng của hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, cũng do dựa trên tập quán, niềm tin và các mối quan hệ quen biết nên người tham gia thường không đề cao cảnh giác.

Mặt khác, không giống như các loại hình cho vay, tiết kiệm khác, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo, dù pháp luật đã quy định việc tham gia hụi phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay.

Khi xảy ra các vụ vỡ hụi hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì rất khó được bồi thường đầy đủ.

Thực tế, qua các vụ việc liên quan đến hụi thời gian qua có thể thấy, nhiều chủ hụi làm việc rất nghiêm túc, minh bạch nhưng cũng không ít người lợi dụng sự tin tưởng, mất cảnh giác của hụi viên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Bùi Kim Châu (SN 1987, ngụ TT Tân Quới, huyện Bình Tân) bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt 13 năm tù. Châu là chủ hụi, tổ chức các dây hụi cho các hụi viên ở địa phương tham gia.

Tuy nhiên, chỉ vì cần tiền tiêu xài, trả nợ, Châu tự ý lấy tên của hụi viên để kêu hốt hụi, tự ý sang, bán hụi và lập các dây hụi và hụi viên không có thật, chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Bị cáo phạm tội bằng cách lợi dụng sự tin tưởng, sơ hở của hụi viên không tham gia khui hụi mà chỉ căn cứ vào thông báo của chủ hụi để đóng tiền định kỳ.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, gây hoang mang dư luận, quần chúng nhân dân không còn tin tưởng vào các giao dịch dân sự nên tuyên phạt bị cáo mức án như vừa nêu.

Thực tế, nhiều chủ hụi có thể lợi dụng uy tín, mối quan hệ hoặc sẽ trả lãi cao để thu hút nhiều người tham gia, thậm chí vượt quy định về trả lãi của Bộ luật Dân sự.

Họ cũng không thực hiện thỏa thuận bằng văn bản, thỏa thuận bằng miệng, gian dối trong việc cung cấp thông tin về dây hụi và không thực hiện báo cáo, quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật.

Để tránh các rắc rối pháp lý khi tham gia hụi, Cục Cảnh sát hình sự lưu ý hụi viên nên tìm hiểu kỹ nhân thân của chủ hụi trước khi đặt niềm tin vào họ để góp vốn. Tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây hụi định tham gia và có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp.

Các chuyên gia pháp lý thì đưa ra lời khuyên, dù tham gia hụi do tin tưởng thì cũng nên làm các giấy tờ, chứng cứ để nếu có tranh chấp xảy ra, việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn.

Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải, có thể lập thành văn bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ. Nếu không giải quyết được bằng phương án này, người dân cần khởi kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh