Lừa đảo với thủ đoạn "cần tiền đáo hạn ngân hàng"

07:05, 07/05/2024

Cần tiền trả nợ do làm ăn thua lỗ, Trần Thị Thanh Tiền (ảnh, SN 1979, ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) dùng thủ đoạn "cần tiền đáo hạn ngân hàng" để chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng.

 

 

Cần tiền trả nợ do làm ăn thua lỗ, Trần Thị Thanh Tiền (ảnh, SN 1979, ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) dùng thủ đoạn “cần tiền đáo hạn ngân hàng” để chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long, Tiền từng có thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước, được giao phụ trách công tác đoàn thể, phụ nữ, quản lý nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên biết nhiều khách hàng là chị em phụ nữ ở huyện Tam Bình, đồng thời cũng quen biết với các tổ trưởng đại diện vay vốn ở địa phương.

Đến năm 2019, Tiền chuyển sang làm việc cho một chi nhánh công ty viễn thông, được giao nhiệm vụ thu tiền cước internet. Tại đây, Tiền quen biết với anh T.U.. Cũng trong thời gian này, Tiền mất cân đối tài chính do thiếu nợ nhiều người. Đến khoảng tháng 7/2021, Tiền nói dối anh U. là có quen với cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay hình thức giải quyết việc làm và hộ nghèo. Tiền còn cho anh U. biết đang cần một số tiền cho các tổ viên vay đáo hạn ngân hàng, khoảng 10 ngày trả lại.

Thực tế, đây chỉ là hành vi gian dối, bởi Tiền không quen biết ai như đã nói, mục đích để anh U. tin tưởng cho Tiền vay. Đồng thời, Tiền nhờ anh U. giới thiệu người có khả năng tài chính và hứa nếu vay được thì chia cho anh U. phân nửa tiền lãi. Anh U. tin tưởng nên giới thiệu em bà con là anh T.S.N.R. (ngụ huyện Tam Bình) với Tiền.

Anh R. đồng ý và thỏa thuận lãi suất vay 1 triệu đồng là 4.000 đ/ngày. Từ đó, anh R. cho Tiền vay nhiều lần, tổng cộng 450 triệu đồng. Đến đây, do không đủ khả năng tài chính cho Tiền vay tiếp nên anh R. liên hệ anh H.P.T. (ngụ tỉnh Đồng Tháp) vay rồi cho Tiền vay lại nhằm hưởng chênh lệch. Đến tháng 12/2021, anh R. cho Tiền vay tổng cộng 1,65 tỷ đồng, trong đó có 450 triệu đồng là tiền của anh R. và 1,2 tỷ đồng vay mượn từ anh T..

Do số tiền vay lúc này đã quá lớn, anh T. muốn rút vốn, còn Tiền dùng “kế hoãn binh” nên nói dối “tiền đưa vô ngân hàng chưa đủ nên chưa thể giải ngân được”, đồng thời hứa từ 1-10 ngày sẽ trả cả gốc và lãi. Nghe vậy, anh R. và anh T. tin tưởng tiếp tục cho Tiền vay, nâng lãi suất lên từ 0,8-1,2 %/ngày/1 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 7/2021-6/2022, Tiền vay của anh R. 27 lần, tổng cộng hơn 6,3 tỷ đồng và đã trả tiền gốc hơn 3,3 tỷ đồng, lãi hơn 826 triệu đồng. Tiền còn nợ tiền gốc hơn 2,9 tỷ đồng nhưng do Tiền đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của anh R. nên việc vay tiền là vô hiệu. Từ đó, số tiền lãi mà Tiền đã trả được trừ vào số tiền gốc. Do vậy, cơ quan điều tra kết luận số tiền mà Tiền chiếm đoạt của anh R. là hơn 2,1 tỷ đồng.

Suốt quá trình cho vay, anh R. và T. đều tin tưởng Tiền sử dụng vào mục đích cho người khác vay lại đáo hạn ngân hàng. Hành vi cho vay của anh R. và T. có lãi suất vượt quá quy định nhưng chỉ là thủ đoạn của Tiền đưa ra lãi suất cao để người khác cho vay. Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long vào ngày 3/5, bị cáo Tiền nói nguyên nhân dẫn đến phạm tội do chăn nuôi heo thua lỗ.

Tiền chiếm đoạt, bị cáo dùng trả nợ, trị bệnh cho con, đóng lãi. Tiền hứa khắc phục hậu quả bằng mọi giá nhưng khi HĐXX chất vấn tại sao trong thời gian được tại ngoại không trả cho các bị hại khoản tiền nào thì bị cáo chỉ… im lặng.

Hành vi của bị cáo lợi dụng sự tin tưởng của các bị hại, đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt số tiền lớn, xâm phạm bất hợp pháp đến tài sản người khác, gây mất an ninh trật tự. Hành vi này đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Thị Thanh Tiền 14 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh