Tranh chấp "món quà tình cảm"

11:04, 25/04/2024

Người nói cho mượn tiền, người thì cho rằng đó là "món quà tình cảm" nên phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra tòa và qua 2 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm mới được giải quyết xong.

 

Người nói cho mượn tiền, người thì cho rằng đó là “món quà tình cảm” nên phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra tòa và qua 2 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm mới được giải quyết xong.

Tranh chấp là giữa ông T. (ngụ tỉnh Đồng Tháp) và bà M. (ngụ TP Vĩnh Long). Ông T. là nguyên đơn kiện bà M. ra TAND TP Vĩnh Long vì ông cho rằng trước đó đôi bên là bạn bè làm ăn chung, bà M. cần vốn kinh doanh trái cây nên ông cho mượn 400 triệu đồng.

Số tiền này ông chia làm hai và lần lượt chuyển vào tài khoản của bà M. vào tháng 4 và 7/2023. Ông T. khẳng định tiền này cho mượn, khi nào bà M. buôn bán được phải trả lại. Đến giữa tháng 7/2023, bà M. chuyển trả ông 100 triệu đồng, còn lại 300 triệu đồng không đòi được nên ông kiện ra tòa.

Quá trình giải quyết tranh chấp, bà M. thừa nhận có nhận tiền như ông T. đã trình bày nhưng không phải mượn mà do ông T. “có quan hệ tình cảm và muốn gắn kết lâu dài”, sau đó bà cũng đầu tư kinh doanh nhưng thua lỗ hết. Lần bà chuyển vào tài khoản của ông T. 100 triệu đồng là do ông T. cần tiền trả nợ.

Còn lại 300 triệu đồng, bà M. không đồng ý trả bởi ông T. tự nguyện cho. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Vĩnh Long không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên ông T. kháng cáo, đồng thời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Vĩnh Long cũng có kháng nghị đề nghị tòa phúc thẩm sửa nội dung bản án sơ thẩm.

Vụ việc vì thế tiếp tục kéo dài thêm một thời gian và ông T. vẫn giữ nguyên quan điểm khởi kiện như ban đầu, bà M. thì một mực khẳng định tiền nhận từ ông T. là “món quà tình cảm” chứ không phải mượn.

Tuy nhiên, bà M. chỉ trình bày chứ không cung cấp được cho tòa chứng cứ chứng minh những gì mình nói là sự thật.

HĐXX căn cứ Điều 457 và Điều 463 Bộ luật Dân sự thì số tiền 400 triệu đồng mà ông T. 2 lần chuyển cho bà M. là tiền vay không lãi chứ không phải tặng cho. Vì vậy, kháng cáo của ông T. và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Vĩnh Long được chấp nhận. Từ đó, sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Vĩnh Long, buộc bà M. phải trả cho ông T. số tiền còn lại là 300 triệu đồng. Ngoài ra, bà M. còn phải chịu án phí dân sự 15 triệu đồng.

Có thể thấy, việc trao đổi, thỏa thuận chuyển tiền giữa ông T. và bà M. chỉ bằng lời nói dựa trên cơ sở lòng tin do đều là bạn bè kinh doanh buôn bán.

Bà M. khẳng định tiền ông T. tặng nhưng không căn cứ, giấy tờ chứng minh. Đây cũng là bài học điển hình về những tranh chấp dân sự về vay mượn tài sản không chỉ xảy ra với ông T., bà M. mà còn nhiều trường hợp khác. Do vậy, khi đưa bất cứ tài sản nào cho ai đó, dù là người thân hay bạn bè cũng cần có giấy tờ chứng minh để tránh những tranh chấp rắc rối về sau, vừa mất thời gian, lại sứt mẻ tình cảm vì những việc không đáng có.

TRUNG HƯNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh