Sản xuất nhang nhưng thương hiệu ít người biết đến, thị trường tiêu thụ hạn chế, Huỳnh Tấn Phát (SN 1971, ngụ xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) làm giả nhang của các cơ sở khác nổi tiếng hơn để bán nhằm thu lời bất chính.
HĐXX tuyên án đối với bị cáo Phát tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/4. |
Sản xuất nhang nhưng thương hiệu ít người biết đến, thị trường tiêu thụ hạn chế, Huỳnh Tấn Phát (SN 1971, ngụ xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) làm giả nhang của các cơ sở khác nổi tiếng hơn để bán nhằm thu lời bất chính.
Ngày 25/4, TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử phúc thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo đơn kháng cáo của bị cáo Huỳnh Tấn Phát.
Theo cáo trạng, tháng 10/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Vĩnh Long) nhận được đơn của 2 cơ sở sản xuất nhang V.T.T. và L.H.T. (TP Hồ Chí Minh) tố giác hành vi sản xuất nhang giả của Huỳnh Tấn Phát. Do vậy, trong các ngày 28 và 29/10/2022, lực lượng công an tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất nhang của Phát ở xã Ngãi Tứ, phát hiện hơn 24.000 bó nhang thành phẩm hiệu V.T.T..
Cũng trong thời gian này, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp Công an TX Bình Minh và Công an huyện Tam Bình đồng loạt kiểm tra các điểm gia công nhang cho Phát, thu giữ gần 20.000 bó nhang thành phẩm mang nhãn hiệu V.T.T. và L.H.T., cùng một số tang vật khác như: máy trộn nguyên liệu, máy xe nhang, máy phun mùi và hàng ngàn tem mang thương hiệu của các cơ sở vừa nêu.
Mở rộng điều tra vụ án, đến tháng 4/2023, cơ quan điều tra tiếp tục mở niêm phong 2 kho hàng của Phát ở xã Ngãi Tứ, thu giữ hơn 80 thùng nhang thành phẩm mang nhiều thương hiệu khác nhau.
Qua làm việc, đại diện cơ sở sản xuất nhang V.T.T. và L.H.T. đều xác định các loại nhang giả thành phẩm do Phát sản xuất rất giống hàng thật về mẫu mã, kích thước, trọng lượng nên rất khó phân biệt được bằng mắt thường. Địa chỉ ghi trên gói nhang và quy cách đóng thùng cũng giống với địa chỉ thật của các cơ sở đã được đăng ký chứng nhận hộ kinh doanh, thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN).
Đối với 2 nhãn hiệu nhang Vạn Kim Phát và Huỳnh Tấn Phát do vợ chồng Phát sản xuất nhưng chưa đăng ký hộ kinh doanh, chỉ đăng ký gia công nhãn hiệu Vạn Kim Phát do vợ Phát là Nguyễn Ngọc Liến đứng tên đăng ký kinh doanh. Qua xác minh tại các địa phương thì địa chỉ in trên bao bì, nhãn hiệu 2 loại nhang này thực tế không có cơ sở sản xuất và cơ quan chức năng cũng không cấp phép cho cơ sở sản xuất nhang nào có tên như vậy.
Quá trình điều tra, Phát và Liến khai nhận hành vi làm giả thương hiệu nhang V.T.T. và L.H.T. từ cuối năm 2018, thu lợi bất chính 120 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng Phát còn làm nhang giả 2 thương hiệu khác nhưng mới lần đầu, chưa kịp bán. Nhang giả thành phẩm, Phát vận chuyển đến khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang) bán cho một người phụ nữ (không rõ danh tính).
Để sản xuất được nhang giả với số lượng lớn, Phát thuê những người ở địa phương gia công nhang trần, dán nhãn hiệu hàng hóa giả, bó nhang và đóng gói. Tuy nhiên, do những người này không biết Phát sản xuất nhang giả nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý. Đối với Liến, là người đứng tên trong giấy chứng nhận hộ kinh doanh Vạn Kim Phát, còn toàn bộ việc sản xuất nhang giả và bán đều do Phát phụ trách.
Cơ quan điều tra xác định, mặc dù không trực tiếp sản xuất, mua bán nhang giả nhưng Liến biết hành vi phạm pháp của chồng, đồng thời còn giúp sức trong việc quản lý thu chi, thanh toán, quyết toán, chuyển khoản trả tiền mua nguyên liệu, nhãn hiệu, bao bì để sản xuất nhang giả.
Tại tòa, bị cáo Phát thừa nhận hành vi phạm tội, đã hối hận, bản thân có nhiều bệnh nên xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.
Bị cáo khai, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ nghề sản xuất nhang, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh- thành lân cận. Tuy nhiên, nhang cơ sở Phát sản xuất không nổi tiếng, không nhiều người mua bằng thương hiệu của V.T.T. và L.H.T.. Đến năm 2018, Phát đặt hàng một người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh làm tem nhãn hiệu hàng hóa của các cơ sở sản xuất nhang nổi tiếng, sau đó dán vào các gói nhang do Phát sản xuất để bán.
Theo định giá, số hàng giả do Phát sản xuất tương đương với giá trị hàng thật gần 800 triệu đồng. Đây là vụ án có đồng phạm giản đơn, trong đó Phát giữ vai trò chính, Liến là người giúp sức.
Theo HĐXX, bị cáo Phát kháng cáo nhưng không cung cấp được tình tiết nào mới, trong khi tòa sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Do vậy, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phát 5 năm tù giam vì tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” (bằng với mức án sơ thẩm). Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Tam Bình tuyên phạt bị cáo Liến 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG