Thế chấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) vay tiền nhưng lại xác lập hợp đồng ủy quyền, sau đó người được ủy quyền mang tài sản chuyển nhượng cho người khác dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài suốt nhiều năm.
Thế chấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) vay tiền nhưng lại xác lập hợp đồng ủy quyền, sau đó người được ủy quyền mang tài sản chuyển nhượng cho người khác dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài suốt nhiều năm.
Năm 2017, ông N.V.R. (ở TX Bình Minh) vay của anh N.H.C. 30 triệu đồng nhưng không lập hợp đồng vay mà xác lập hợp đồng ủy quyền thửa đất số 80, diện tích 305,8m2 do ông R. đứng tên cho anh C..
Ngày 1/8/2017, sau khi đến phòng công chứng lập hợp đồng ủy quyền, ông R. đã giao bản chính GCN QSDĐ thửa 80 cho anh C. và nhận đủ 30 triệu đồng. Ông R. đóng lãi được 4 tháng thì phát hiện anh C. chuyển nhượng thửa đất 80 cho anh T.V.N. (ở TP Cần Thơ) nên liên hệ anh C. trả lại 30 triệu đồng. Anh C. hứa sẽ trả bản chính GCN QSDĐ cho ông R. nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện vì anh N. đã làm thủ tục sang tên QSDĐ thửa 80.
Ông R. xác định chỉ vay tiền của anh C. và đã trả xong, việc xác lập hợp đồng ủy quyền ngày 1/8/2017 chỉ là giả cách nhằm đảm bảo việc trả nợ chứ không ủy quyền cho anh C. định đoạt QSDĐ thửa 80 với bên thứ ba.
Mặt khác, thửa đất 80 được cấp cho hộ gia đình nên ông yêu cầu vô hiệu hợp đồng ủy quyền ngày 1/8/2017 giữa ông với anh C. và hủy chỉnh lý mặt 4 GCN QSDĐ thửa 80 anh N. đang đứng tên để trả lại tài sản cho ông.
Tại đơn phản tố ngày 17/3/2022, anh C. trình bày: Năm 2017, anh có cho ông R. vay 30 triệu đồng và ông R. có lập hợp đồng ủy quyền thửa đất 80 cho anh. Sau khi giao tiền và ký hợp đồng ủy quyền, anh có vay của anh N. (ở Hậu Giang) 100 triệu đồng bằng hình thực ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 80.
Anh vay tiền của anh N. được 4 tháng thì ông R. phát hiện nên trả lại 30 triệu đồng và anh đã mang số tiền này trả cho anh N. nên anh chỉ còn thiếu anh N. 70 triệu đồng. Anh đồng ý trả cho anh N. số tiền còn thiếu và yêu cầu tòa vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa anh với anh N..
Quá trình giải quyết vụ kiện, anh N. thừa nhận ngày 1/8/2017, anh có nhận chuyển nhượng QSDĐ thửa 80 do ông R. đứng tên nhưng anh C. là người ký tên đại diện ủy quyền trong hợp đồng chuyển nhượng. Đến ngày 18/6/2018, anh được đứng tên mặt 4 GCN QSDĐ thửa 80.
Do anh có cho chị T.T.T.S. (ở Tiền Giang) mượn 20 triệu đồng và muốn thu hồi vốn sớm nên đã lập hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 80 cho chị S. và ký thêm hợp đồng thuê QSDĐ để chứng minh thu nhập hàng tháng cho chị S. đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Sau đó, do chị S. không vay được tiền từ ngân hàng nên hai bên thỏa thuận lập văn bản hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và ký lại hợp đồng ủy quyền sử dụng thửa đất 80 để chị S. chuyển cho người khác vay.
Tuy nhiên, đến nay chị S. vẫn chưa vay được tiền từ ngân hàng và không trả tiền đã mượn cho anh. Do đó, anh N. yêu cầu vô hiệu hợp đồng ủy quyền sử dụng thửa đất 80 với chị S. và yêu cầu chị S. trả lại bản chính GCN QSDĐ cùng tiền vay và tiền lãi hơn 21,6 triệu đồng; yêu cầu ông R. và anh C. phải giao trả thửa đất 80 cho anh.
Chị S. không đồng ý với lời trình bày của anh N. và cho rằng: Ngày 10/9/2020, chị có cho anh N. vay 400 triệu đồng, 2 bên đã lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và hợp đồng thuê lại thửa đất 80. Để đảm bảo cho số tiền vay, anh N. đã đưa bản chính GCN QSDĐ cho chị giữ.
Do anh N. không thực hiện việc đóng lãi và cho rằng thửa đất này chỉ bán trên giấy chứ không nhận đất được nên không cầm cố nữa mà chuyển nhượng luôn cho chị S..
Do đó, ngày 9/3/2021, chị và anh N. hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 80 và ký lại hợp đồng ủy quyền thửa đất 80. Đến nay, anh N. vẫn chưa trả số tiền vay nên chị yêu cầu anh N phải trả 400 triệu đồng và tiền lãi cho đến ngày tòa xét xử.
Ngày 28/8/2023, HĐXX của TAND TX Bình Minh đã đưa vụ kiện ra giải quyết và tuyên ông R. được quyền sử dụng thửa đất 80; buộc anh C. trả cho anh N. số tiền còn thiếu 70 triệu đồng; buộc anh N. trả cho chị S. vốn vay 400 triệu đồng và hơn 97,7 triệu đồng tiền lãi, tổng cộng hơn 497,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, anh N. không đồng ý nên đã gửi đơn kháng cáo yêu cầu vô hiệu hợp đồng ủy quyền thửa đất 80 giữa anh với chị S., buộc chị S. trả lại bản chính GCN QSDĐ cùng vốn vay 20 triệu đồng và tiền lãi phát sinh, tổng cộng hơn 21,6 triệu đồng; buộc ông R. và anh C. phải giao thửa đất số 80 cho anh.
Xét trên phần đất tranh chấp có căn nhà cấp 4 do ông R. đang quản lý, sử dụng. Anh N. yêu cầu ông R. và anh C. phải giao đất nhưng khi TAND TX Bình Minh mở phiên tòa thì anh N. vắng mặt không lý do nên cấp sơ thẩm đình chỉ toàn bộ yêu cầu độc lập của anh N. là phù hợp quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ngoài ra, tòa cấp sơ thẩm xác định hợp đồng ủy quyền giữa ông R. với anh C. là giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay nên tuyên vô hiệu và công nhận thửa đất 80 cho ông R.; đồng thời xác định giao dịch giữa chị S. với anh N. là giao dịch vay tài sản, buộc anh N. trả cho chị S. tiền vốn vay và lãi phát sinh hơn 497,7 triệu đồng nhưng khi giải quyết vụ án, tòa cấp sơ thẩm đã không xử lý hậu quả các hợp đồng vô hiệu, không xem xét yêu cầu khởi kiện của ông R. về GCN QSDĐ thửa 80 đã cấp cho anh N., không làm rõ thời điểm cấp GCN QSDĐ hộ ông R. gồm những ai để đưa vào tham gia tố tụng, chưa xem xét đến yếu tố lỗi của các bên khi tham gia các giao dịch,… dẫn đến giải quyết vụ án không toàn diện, triệt để, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TX Bình Minh giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Việc giải quyết vụ án lại từ đầu cho thấy những người liên quan vụ vay tiền nhưng lập hợp đồng giả cách rồi sang nhượng lòng vòng này sẽ phải tiếp tục chờ và chưa biết đến khi nào mới có hồi kết.
DIỄM PHƯỢNG