Kiện đòi tiền đặt cọc

07:03, 07/03/2024

Sau khi đặt tiền cọc mua đất, nguyên đơn làm hàng rào thì bị các hộ dân xung quanh tháo dỡ. Cho rằng bên bán thực hiện không đúng hợp đồng dẫn đến sự việc này, nguyên đơn khởi kiện ra tòa đòi lại tiền.

Sau khi đặt tiền cọc mua đất, nguyên đơn làm hàng rào thì bị các hộ dân xung quanh tháo dỡ. Cho rằng bên bán thực hiện không đúng hợp đồng dẫn đến sự việc này, nguyên đơn khởi kiện ra tòa đòi lại tiền.

Rất nhiều giao dịch diễn ra mỗi ngày, do đó việc mâu thuẫn, bất hòa về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên là điều khó tránh khỏi, dẫn đến các vụ tranh chấp dân sự nhiều hơn. Khi phát sinh tranh chấp các bên đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết, đảm bảo tốt nhất quyền lợi, ít tốn kém thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, khi các phương thức thương lượng, hòa giải không đem lại kết quả, đương sự chỉ còn cách khởi kiện ra tòa. Như trường hợp của ông P.H.T. (ngụ TX Bình Minh) phát sinh tranh chấp với bên bán đất và sau 2 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mới giải quyết xong.

Ông T. cho hay, sự việc xảy ra từ cuối năm 2021, khi đó ông ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà L.T.H. (cùng cư trú TX Bình Minh). Bà H. cam kết đất không tranh chấp, không quy hoạch. Giá trị thửa đất là 320 triệu đồng, tiền trả làm 2 đợt và ông T. đã đưa trước 20 triệu đồng.

2 ngày sau, ông T. làm hàng rào lưới B40 thì bị các hộ dân xung quanh tháo dỡ, đập gãy trụ đá để có lối đi. Ông T. cho rằng bà H. không thực hiện đúng với hợp đồng đặt cọc nên không đồng ý tiếp tục thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, từ đó đôi bên phát sinh tranh chấp.

Ông T. khởi kiện yêu cầu vô hiệu hóa hợp đồng đặt cọc và bà H. phải trả lại 20 triệu đồng. Trong khi đó, bà H. cho rằng việc ông T. nói đất tranh chấp là không đúng, vì lúc xem đất bà cho hay phía sau có nhiều hộ trồng bông và cần cho họ thời gian để bán hết bông thì giao đất.

Tuy nhiên, do ông T. gấp gáp làm hàng rào, bà con không có đường đi nên tự ý tháo dỡ. Bà H. không đồng ý yêu cầu khởi kiện, ông T. không chịu thì bỏ cọc.

Phiên tòa sơ thẩm của TAND TX Bình Minh chấp nhận một phần khởi kiện của ông T., vô hiệu hóa hợp đồng đặt cọc, không chấp nhận yêu cầu của ông T. về việc đòi bà H. trả lại 20 triệu đồng.

Không đồng ý, ông T. tiếp tục làm đơn kháng cáo yêu cầu TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử theo trình tự phúc thẩm, đồng thời giảm 50% số tiền yêu cầu bà H. phải trả. Theo nhận định của HĐXX, căn cứ hợp đồng đặt cọc thì ông T. và bà H. không có thỏa thuận nào về việc cho các hộ dân phía sau đi nhờ trên đất cho hết vụ bông, cũng không thỏa thuận khi nào trả đủ tiền thì ông T. mới được làm hàng rào.

Do vậy, khi trả xong tiền đợt đầu tiên, ông T. làm hàng rào lưới B40 thì các hộ dân phía sau tự ý tháo dỡ làm phát sinh tranh chấp và bà H. cũng thừa nhận việc này.

Ngoài ra, bà H. còn thừa nhận khi thỏa thuận chuyển nhượng có 6 đồng hồ nước của các hộ xung quanh đặt nhờ trên đất nhưng bà không thông báo, không thỏa thuận giải quyết. Như vậy, có căn cứ xác định hợp đồng đặt cọc được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho các bên không thể ký hợp đồng chuyển nhượng.

Do đó, ông T. yêu cầu tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu là có căn cứ và phù hợp quy định tại khoản 1, Điều 126 Bộ luật Dân sự. Do giao dịch dân sự vô hiệu nên các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng đặt cọc nhưng nhận định bà H. không có lỗi và không buộc trả tiền cọc là chưa phù hợp với quy định trên. Từ những nhận định này, HĐXX tuyên chấp nhận khởi kiện của ông T., sửa bản án sơ thẩm, vô hiệu hợp đồng đặt cọc, bà H. phải hoàn trả cho ông T. 10 triệu đồng.

Như vậy, vụ việc cũng được giải quyết thỏa đáng. Điều đáng tiếc là tranh chấp có thể đã không xảy ra nếu bên bán cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin liên quan đất tài sản sang nhượng, tránh những rắc rối không đáng có.

TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh