Chặn kênh gây thiệt hại lúa phải bồi thường

07:02, 02/02/2024

Chặn kênh làm nước trong ruộng không thoát được gây thiệt hại hàng chục công lúa, một người dân bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại. Tranh chấp kéo dài nhiều năm, qua 2 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mới được giải quyết thỏa đáng.

Chặn kênh làm nước trong ruộng không thoát được gây thiệt hại hàng chục công lúa, một người dân bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại. Tranh chấp kéo dài nhiều năm, qua 2 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mới được giải quyết thỏa đáng.

Sự việc xảy ra từ tháng 10/2021, ảnh hưởng đến 5 hộ dân (đều ngụ huyện Tam Bình). Theo các nguyên đơn, ruộng lúa của họ nằm dọc bờ kênh, đoạn trước nhà của ông T.V.C.. Thời điểm này bà con chuẩn bị thu hoạch lúa thì phát hiện ông C. dùng cây và lá dừa, tôn, rơm chặn ngang kênh.

Sự việc được báo chính quyền địa phương thì sau đó dòng chảy được khai thông, tuy nhiên do đúng lúc nước sông dâng cao, nước trong ruộng không thoát được. Ngập nước quá lâu, lúa bị gãy đổ gần như toàn bộ, năng suất sụt giảm.

Nhiều nhất là ông H.V.T. bị ảnh hưởng gần 25 công lúa. Ông tính toán, nếu không xảy ra sự việc này thì khả năng thu hoạch được hơn 14 tấn lúa, với giá bán thời điểm đó hơn 6.100 đ/kg thì ông thu về hơn 86 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông chỉ thu hoạch được gần 5 tấn lúa, giá giảm chỉ còn 6.000 đ/kg nên chỉ được gần 30 triệu đồng, mất hơn 56 triệu đồng. Ông T. yêu cầu ông C. phải bồi thường cho ông số tiền này. 4 nguyên đơn còn lại, tùy theo tính toán thiệt hại, yêu cầu ông C. bồi thường từ 20- 69 triệu đồng.

Quá trình giải quyết tranh chấp, ông C. thừa nhận trước đây ông và các nguyên đơn xảy ra mâu thuẫn trong việc sử dụng nguồn nước từ con kênh trước nhà.

Lúc xảy ra sự việc, nước sông dâng cao kèm mưa to nhiều ngày gây ngập úng cả cánh đồng. Ông cũng bị ảnh hưởng nên chẳng có lý do gì phải chặn kênh để “tự hại mình”. Cây dừa do bị đuông ăn nên ông đốn đem tấn mé mương ngăn sạt lở.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND huyện Tam Bình chấp nhận khởi kiện của các nguyên đơn, buộc ông C. bồi thường cho các nguyên đơn từ 20-69 triệu đồng, tổng cộng hơn 190 triệu đồng. Sau đó, ông C. làm đơn kháng cáo yêu cầu sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long, các nguyên đơn giảm số tiền yêu cầu bồi thường, tổng cộng còn lại chỉ 88 triệu đồng. Ông C. thì một mực khẳng định không chặn kênh nhưng nếu bắt buộc thì ông chỉ đồng ý bồi thường tổng cộng 50 triệu đồng.

Theo HĐXX, mặc dù ông C. không thừa nhận nhưng căn cứ vào các biên bản ghi lời khai trong quá trình giải quyết tranh chấp, một trong các nguyên đơn khi phát hiện sự việc ra hiện trường có thấy ông C..

Đôi bên xảy ra tranh cãi thì ông C. thừa nhận do bực tức chính quyền địa phương nên chặn kênh xem “có ai giải quyết không”. Đại diện chính quyền địa phương nhận tin báo của người dân, đến nơi xác minh thì ông C. thừa nhận cây và lá dừa với mấy cuộn rơm là của mình.

Như vậy, có căn cứ xác định lời trình bày của các nguyên đơn là đúng nhưng đây chỉ là một trong các nguyên nhân gây thiệt hại lúa vì thời điểm đó còn xảy ra nước sông dâng cao, mưa lớn.

Do vậy, ông C. chỉ có lỗi 50%, tòa cấp sơ thẩm nhận định lỗi hoàn toàn do ông để làm căn cứ bồi thường thiệt hại là chưa phù hợp. Từ những nhận định này, HĐXX tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, buộc ông C. bồi thường cho các nguyên đơn từ 6-21 triệu đồng, tổng cộng hơn 60 triệu đồng.

Như vậy, vụ tranh chấp kéo dài cũng được giải quyết thỏa đáng. Việc làm của ông C. không chỉ gây mất tình làng nghĩa xóm và ngay cả ông cũng bị thiệt hại, bởi ruộng lúa của ông cũng cùng cánh đồng với các nguyên đơn.

TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh