Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm khác. Do vậy, cùng với các hoạt động tuyên truyền phòng chống, công tác đấu tranh xử lý được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
|
Tang vật một vụ ma túy bị công an phát hiện, thu giữ. |
Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm khác. Do vậy, cùng với các hoạt động tuyên truyền phòng chống, công tác đấu tranh xử lý được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy
Theo BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (gọi tắt là BCĐ), tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phức tạp.
Nguồn cung ma túy chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Thủ đoạn giao dịch, mua bán ma túy các đối tượng thực hiện rất tinh vi và xảo quyệt.
Chúng thường xuyên thay đổi địa điểm, có người cảnh giới, lợi dụng các dịch vụ vận chuyển hàng hóa, quán karaoke, quán bar, khách sạn,… để tàng trữ, mua bán, sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, theo Thượng tá Huỳnh Mỹ Liên- Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, phần lớn là thanh thiếu niên, không nghề nghiệp ổn định.
Có trường hợp gia đình kinh tế ổn định nhưng thiếu sự quản lý, giáo dục của người thân hoặc đua đòi, muốn thể hiện “đẳng cấp” với bạn bè, từ đó rơi vào con đường nghiện ngập.
Thống kê của BCĐ, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1.860 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý. Đáng lo ngại, có đến 81,29% trong số này đang ở ngoài cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự nếu họ không được quản lý.
Qua công tác điều tra đã phát hiện 33 vụ với 35 đối tượng phạm các tội về trật tự xã hội là người sử dụng và người nghiện ma túy. Nhiều nhất là trộm cắp tài sản với 27 vụ, còn lại là cố ý gây thương tích, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như trường hợp của bị cáo Nguyễn Thị Kim Hằng (SN 1988, ngụ TP Vĩnh Long) nghiện ma túy nhưng không nghề nghiệp nên lang thang tìm tài sản lấy trộm nhưng bị bắt và kết án giam. Ra tù, Hằng vẫn “ngựa quen đường cũ”, liên tiếp gây ra các vụ trộm, cướp tài sản, sử dụng trái phép chất ma túy.
Một lần nữa, Hằng phải “quay lại” trại giam chấp hành án nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa đủ cảnh tỉnh bị cáo trở thành công dân tốt. Ra tù chưa được bao lâu, Hằng cần tiền mua ma túy sử dụng nên lợi dụng đêm tối “rinh” 4 cây dù của quán cà phê ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) bán được 350.000đ.
Mất tài sản, chủ quán trích xuất camera phát hiện kẻ trộm là Hằng nên báo công an. Giá trị tài sản không lớn nhưng do vừa ra tù chưa được xóa án tích, vì thế Hằng bị cơ quan điều tra khởi tố và bị tòa tuyên phạt 1 năm tù vì tội “Trộm cắp tài sản”.
Cũng trong năm 2023, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 170 vụ với 217 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó đã khởi tố 162 vụ. 213 bị can, phạt hành chính 4 vụ, 6 đối tượng, số còn lại đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý. Nổi bậc là khám phá thành công 3 chuyên án, bắt 6 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 2,6kg ma túy.
Phòng chống tác hại ma túy
Phòng chống tác hại ma túy, các ngành, địa phương tuyên truyền lồng ghép vào các hội thi, chương trình văn nghệ, phương tiện truyền thông, hoạt động đoàn, hội, tổ nhân dân tự quản. Đoàn thanh niên các địa phương phối hợp ngành công an tổ chức tuyên truyền trong thanh thiếu niên về tác hại và cam kết “3 không với ma túy”.
Trong công tác điều trị nghiện, học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động-TB-XH) được lao động, học nghề và có thu nhập từ chính sản phẩm làm ra. Theo ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc cơ sở, 100% học viên hoàn thành thời gian cai nghiện đều được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm.
Cùng với đó, các xã, phường, thị trấn hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ phòng chống tái nghiện, tư vấn thay đổi hành vi nhân cách. Giới thiệu việc làm và tạo điều kiện để những người này tham gia các hoạt động xã hội.
Bên cạnh, nhằm kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương làm tốt công tác điều tra rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại từng địa bàn dân cư.
Tập trung rà soát nắm chắc số đối tượng ma túy trên địa bàn, lập hồ sơ quản lý và có kế hoạch đấu tranh, triệt phá khi phát hiện có hành vi vi phạm. Thực hiện các đợt tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, phòng chống việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
Ngoài ra, theo Đại tá Huỳnh Thanh Mộng- Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó BCĐ, lực lượng công an phối hợp các ngành, đoàn thể quản lý, cảm hóa, giáo dục nhằm hạn chế nguồn phát sinh tội phạm từ những người phạm tội về ma túy chấp hành xong án phạt tù được tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện sau cai và người nghiện đang ở ngoài cộng đồng.
Năm 2023, phát hiện 798 trường hợp dương tính với ma túy, trong đó đã đưa đi cai nghiện bắt buộc 52 trường hợp, giáo dục tại xã, phường, thị trấn 61 trường hợp, phạt hành chính 368 trường hợp. Viện kiểm sát thụ lý giải quyết 166 vụ với 210 bị can phạm tội về ma túy. Tòa thụ lý 202 vụ, 253 bị cáo.
|
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG