Cảnh giác lừa đảo trên không gian mạng

01:01, 16/01/2024

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin-TT), thời gian qua các vụ lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đối tượng lừa đảo thường nhắm vào trẻ em, sinh viên, công nhân, nhất là người cao tuổi…

(VLO) Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin-TT), thời gian qua các vụ lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đối tượng lừa đảo thường nhắm vào trẻ em, sinh viên, công nhân, nhất là người cao tuổi…

Sở Thông tin- TT tỉnh Vĩnh Long có văn bản yêu cầu cảnh giác lừa đảo trên không gian mạng.
Sở Thông tin- TT tỉnh Vĩnh Long có văn bản yêu cầu cảnh giác lừa đảo trên không gian mạng.

Lừa đảo ngày càng tinh vi

Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân tăng cao. Lợi dụng việc này, tội phạm lừa đảo gia tăng hoạt động, trong đó sử dụng công nghệ cao để lừa đảo vẫn diễn biến phức tạp.

Chúng sử dụng đủ mọi thủ đoạn cùng với các chiêu thức tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ, cả tin- nhất là người cao tuổi.

Chị N.T. H. (là giáo viên một trường trên địa bàn huyện Tam Bình), do không có nhiều thời gian đến các chợ mua sắm, nên sau giờ lên lớp chị thường mua sắm qua online.

Trong một lần vào trang web mua các sản phẩm tiêu dùng, chị được một người điện giới thiệu là nhân viên của shop với thông báo “chị đặt hàng thành công và nên tích lũy điểm để đổi quà”.

Sau nhiền lần mua hàng, điểm tích lũy chị nhận tương đương món quà gia dụng. Người này yêu cầu chị tham gia nhóm “để được tích điểm gấp đôi và nhận quà giá trị hơn”.

Sau thời gian mua hàng nhóm, chị H. tích lũy điểm tương đương quà điện lạnh giá trị 30 triệu và được yêu cầu chị chuyển khoản 10 triệu phí và cọc tích điểm…để nhận quà.

Chị H. liên hệ với các thành viên nhóm và được biết nhiều thành viên đã chuyển khoản và nhận được quà, nên chị không ngần ngại chuyển tiền cho đối tượng theo yêu cầu.

Nhưng mãi không nhận được quà, liên hệ “nhóm chat” thì đã hay đã hủy nhóm, số điện thoại cũng không liên hệ được, chị H. mới biết mình bị lừa.

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện rất nhiều các đối tượng giả danh cán bộ công an gọi điện cho người cao tuổi đe dọa vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng.

Trường hợp của bà N.T. H. (62 tuổi), ngụ TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là như vậy. Bà H. cho biết, có con đi làm xa nên bà thuê nhà trọ ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) buôn bán.

Một hôm, bà H. nhận được điện thoại, người này cho biết là cán bộ của công an hình sự và thông báo bà có tài khoản ngân hàng đang nợ 60 triệu đồng và có liên quan đến đường dây mua bán ma túy.

Chúng ép bà H. chuyển khoản 50 triệu đồng cho công tác điều tra. Lo ngại, bà H. nhanh chóng đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm và chuyển cho đối tượng. Sau đó chia sẻ với con gái, bà H. đã biết mình bị lừa đảo.

 “Chúng thay đổi người thường xuyên điện thoại, hối thúc chuyển tiền. Chúng nói vụ việc liên quan đến nghiệp vụ và đến cán bộ chủ chốt của cơ quan nhà nước và cán bộ ngân hàng nên yêu cầu tôi tuyệt đối giữ bí mật. Nếu để lộ ra là công tác điều tra không thực hiện được.”- Bà H. cho biết.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Càng về cuối năm các vụ lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, tập trung đánh vào tâm lý nạn nhân để dễ dàng thực hiện.

Chúng lợi dụng vào các ngày lễ, tết, người dân làm căn cước công dân, khai báo định danh điện tử để giả danh cán bộ xã, phường, thị trấn yêu cầu khai báo lại thông tin, tạo sự tin tưởng để lừa gạt.

Một trong những thủ đoạn là gần đây, lợi dụng nhu cầu mua vé tàu, vé máy bay về quê, đi du lịch…vào dịp Tết sắp tới, các đối tượng sử dụng thủ đoạn bán “Combo du lịch giá rẻ” bao gồm các dịch vụ như: vé máy bay, tour du lịch, phòng khách sạn, hỗ trợ làm visa trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây không phải là hình thức lừa đảo mới, tuy nhiên với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như: lập các trang mạng xã hội ảo, tài khoản ảo, giả làm đại lý, thậm chí còn lập các website có tên miền giống với các trang web chính thức để đăng tải quảng cáo “bán rẻ hơn so với giá thị trường” nhằm lừa đảo.

Khi có người liên hệ, các đối tượng sẽ làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và yêu cầu đặt cọc trước hóa đơn để chiếm đoạt tài sản.

Theo ngành chức năng, công tác điều tra, xử lý các đối tượng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng trên không gian mạng, đa phần các số điện thoại, các trang cá nhân như Zalo, Facebook, Telegram đều là ảo. Nhiều “chiêu thức” đánh vào tâm lý hay lo lắng, nhẹ dạ, cả tin của người cao tuổi, khiến không ít trường hợp người dân bị sập bẫy.

Theo Bộ Công an, hiện có các nhóm lừa đảo gồm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt các tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Chính sự đa dạng của các đối tượng dẫn đến rất khó khăn cho việc nhận diện đầy đủ thủ đoạn.

Để tránh bị lừa đảo, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là khi nhận được các cuộc được thoại từ người lạ. Hiện cơ quan công an không yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân hay thực hiện hoạt động điều tra qua điện thoại.

Không làm theo hướng dẫn, đăng nhập vào các đường link liên kết lạ trên các ứng dụng, tin nhắn do đối tượng xấu cung cấp.

Không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng cho các đối tượng xấu, nhất là thông qua các cuộc gọi, ứng dụng trên các thiết bị điện thoại di động. Không thực hiện việc chuyển khoản tiền để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính khi bị đe dọa liên quan đến các vụ án.

Không chuyển bất cứ khoản tiền nào để mua đơn hàng theo yêu cầu của các đối tượng lạ. Không cung cấp mã OTP, các loại mật khẩu cho bất kỳ người nào biết. Không tham gia đầu tư chứng khoán, tiền ảo,… khi không có kiến thức chuyên môn.

Mọi thông tin về tội phạm, vi phạm pháp luật và vướng mắc cần giải đáp, đề nghị người dân báo ngay cho công an địa phương để được hướng dẫn, điều tra làm rõ.

NGUYỄN MINH THUẬN (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh