Bạn học cũ gặp lại và cùng hợp tác mở xưởng may nhưng việc làm ăn không thuận lợi dẫn đến bạn bè trở mặt, kiện nhau ra tòa.
Bạn học cũ gặp lại và cùng hợp tác mở xưởng may nhưng việc làm ăn không thuận lợi dẫn đến bạn bè trở mặt, kiện nhau ra tòa.
Anh L.P.T. và L.M.C. (ở TP Vĩnh Long) từng là bạn học. Năm 2018, khi gặp lại nhau, anh T. nghe bạn nói có nguồn hàng may gia công xuất khẩu triển vọng sinh lời nhiều nhưng không có vốn nên đôi bên đã hợp tác làm ăn.
Tuy nhiên, hoạt động một thời gian thì xưởng may đóng cửa kéo theo bất hòa, tranh chấp xoay quanh khoản tiền đôi bên đã đầu tư.
Cụ thể trong đơn khởi kiện, bà V.T.K.S. (mẹ anh T.), trình bày: Khi anh C. thông tin cần vốn đầu tư xưởng may gia công, tháng 4/2018, bà đã cho anh C. vay 500 triệu đồng, lãi suất 1 %/tháng, thời hạn vay 24 tháng, có làm hợp đồng vay nhưng không công chứng.
Sau khi ký hợp đồng, bà S. đưa cho anh C. 100 triệu đồng, còn lại 400 triệu đồng, anh T. gửi ngân hàng để rút dần giao cho anh C. theo tiến độ hoạt động của xưởng. Sau đó, anh T. giao tiếp cho anh C. 200 triệu đồng và giữ lại 200 triệu đồng để mua máy móc, trả tiền công cho thợ. Như vậy, anh C. đã nhận đủ 500 triệu đồng nhưng từ khi ký hợp đồng vay đến nay, anh C. không trả tiền lãi và vốn nên bà S. khởi kiện ra tòa.
Anh C. thừa nhận có ký hợp đồng vay 500 triệu đồng của bà S. nhưng thực chất đó là phần anh T. hùn mở xưởng may. Do anh T. muốn đảm bảo tính hợp lý vừa hùn vốn, vừa cho mượn nên yêu cầu anh C. phải ký hợp đồng vay với bà S..
Sau khi ký hợp đồng, anh C. không có nhận số tiền này mà dự kiến giải ngân theo tiến độ hoạt động của xưởng. Khi đến ngày giải ngân, anh T. hẹn chậm lại với lý do tiền gửi chưa đến kỳ hạn, rút sớm sẽ bị mất tiền lãi. Sau đó, anh T. nói sẽ ứng phần hùn của mình trước để thuê thợ, mua vật tư sửa chữa nhà xưởng.
Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, anh C. thấy tiến độ chậm do trả tiền công thợ và mua vật tư cầm chừng nên đôi bên nảy sinh bất đồng. Sau đó, anh T. có chuyển cho anh C. 200 triệu đồng. Đến tháng 10/2018, anh C. yêu cầu giải ngân tiếp 80 triệu đồng để trả nợ lương cho công nhân và gia công ngoài nhưng anh T. không chấp nhận, yêu cầu anh C.
tự lo nên anh C. phải mượn tiền của người thân và kết thúc hoạt động nhà xưởng vào cuối năm 2018. Do anh C. chỉ thực nhận 200 triệu đồng từ anh T., số tiền còn lại anh T. chi xuất mua máy may là phần tiền hùn làm xưởng nhưng anh T. không muốn gánh phần lỗ của xưởng nên anh C. không đồng ý trả 500 triệu đồng theo yêu cầu khởi kiện của bà S..
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh T. xác định, bà S. có đưa cho anh chuyển khoản cho anh C. 200 triệu đồng và anh có giữ lại 200 triệu đồng để mua máy móc đầu tư cho xưởng may. Anh chỉ làm công ăn lương, không có hùn vốn kinh doanh xưởng may với anh C..
Sau hơn 2 tháng làm việc, anh T. nghỉ làm và đã bàn giao sổ sách cho anh C. quản lý. Khi xưởng may ngưng hoạt động, anh C. bán hết máy móc, anh T. không hay biết nên không liên quan đến số tiền nợ 500 triệu đồng anh C. vay của bà S..
Căn cứ vào các chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án, HĐXX cho rằng: Bà S. và anh C. có làm hợp đồng vay 500 triệu đồng bằng giấy tay và giao tiền nhiều lần. Trong đó, có số tiền vay 200 triệu đồng do anh T. chuyển khoản ngày 7/5/2018 và 2 bên thống nhất số tiền này.
Riêng 100 triệu đồng bà S. đưa cho anh C. và 200 triệu đồng anh T. mua tài sản cho xưởng may, anh C. không thừa nhận. Tuy nhiên, tại tờ tường trình ngày 24/11/2022 và tại tòa, anh C. thừa nhận anh T. đã gọi thợ và mua vật tư sửa chữa cải tạo nhà xưởng, chi phí ước tính khoảng 260 triệu đồng.
Anh C. cho rằng số tiền anh T. mua trang thiết bị máy móc, sửa chữa nhà xưởng là hùn vốn làm ăn nhưng không có chứng cứ chứng minh nên số tiền bà S. giao cho anh C. và anh T. chi xuất mua tài sản cho xưởng may là phù hợp với thực tế.
Sau khi xưởng may ngừng hoạt động, anh C. tự thanh lý máy móc và nhận tiền, anh T. không nhận khoản tiền này. Do đó, anh C. phải có trách nhiệm đối với khoản tiền vay đầu tư vào nhà xưởng và HĐXX đã tuyên buộc anh C. phải trả cho bà S. tiền vốn vay và tiền lãi, tổng cộng hơn 545 triệu đồng.
DIỄM PHƯỢNG