Người đàn ông qua đời để lại số tiền từ chế độ tử tuất khá lớn nhưng cũng vì số tiền này mà người thân của ông bất hòa dẫn đến bà kiện cháu đòi tiền, cháu thì có đơn từ chối trách nhiệm phụng dưỡng bà.
Người đàn ông qua đời để lại số tiền từ chế độ tử tuất khá lớn nhưng cũng vì số tiền này mà người thân của ông bất hòa dẫn đến bà kiện cháu đòi tiền, cháu thì có đơn từ chối trách nhiệm phụng dưỡng bà.
Ông N.V.R. (ở TP Vĩnh Long) về hưu được vài tháng thì bị bệnh và qua đời. Ông R. được cơ quan BHXH chi trả chế độ tử tuất với số tiền hơn 644 triệu đồng và người đứng ra nhận số tiền này là anh N.K.N. (con trai duy nhất của ông R.).
Sau khi BHXH chi trả số tiền trên, ngày 7/12/2021, bà V.T.B. (mẹ ruột ông R.) gửi đơn khởi kiện cháu nội đòi phần tiền tuất mà bà được hưởng tương đương 210 triệu đồng. Bà B. cho rằng, do lớn tuổi nên đã ủy quyền cho cháu nội là anh N. nhận toàn bộ số tiền tuất của ông R. nhưng sau khi nhận tiền, anh N. không giao lại phần của bà mà cứ hứa hẹn. Hiện bà không có nguồn thu nhập nên yêu cầu nhận số tiền trên để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Tại biên bản hòa giải ngày 19/12/2022, anh N. thừa nhận bà B. có ủy quyền cho anh nhận toàn bộ số tiền tuất từ cơ quan BHXH và anh đã sử dụng số tiền này vào việc trả nợ cho cha vì lúc còn sống, ông R. có mượn nợ để trị bệnh. Hiện hàng tháng, anh N. vẫn chăm lo đời sống cho bà B. không ngờ lại bị bà B. kiện.
Do không muốn bà cháu đối diện nhau trong hoàn cảnh không hay nên quá trình giải quyết vụ kiện, anh N. đã ủy quyền cho người thân làm việc với tòa và có tờ tường trình đồng ý trả lại khoản tiền tuất đã nhận theo yêu cầu của bà B. nhưng khấu trừ các khoản chi phí trong thời gian anh phụng dưỡng, chăm sóc bà là 60 triệu đồng và yêu cầu một trong những người con còn lại của bà B. phải đứng ra nhận chăm sóc bà B..
Theo HĐXX, ông R. là cán bộ về hưu, chết không để lại di chúc nên trợ cấp tiền tuất là chế độ BHXH, trợ cấp cho thân nhân người chết, không phải di sản của người chết để lại. Xét vợ chồng ông R. chỉ có một người con chung là anh N., vợ và cha ông R. đã chết, chỉ còn bà B. nên bà B. là thân nhân đủ điều kiện nhận trợ cấp hàng tháng nhưng bà B. có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần và cử anh N. đại diện kê khai, nhận tiền từ BHXH, có chữ ký xác nhận của bà B..
Do đó, cơ quan BHXH thực hiện thủ tục chuyển đủ tiền trợ cấp tuất một lần của ông R. vào tài khoản anh N. là đúng quy định.
Do sau khi nhận tiền, anh N. không giao lại phần tiền bà B. được hưởng nên xảy ra tranh chấp. Bà B. khởi kiện yêu cầu anh N. giao lại 210 triệu đồng là có lợi cho anh N. và phù hợp với quy định pháp luật nên có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B.. Do đó, HĐXX đã buộc anh N. có nghĩa vụ trả bà B. số tiền tuất 210 triệu đồng.
Anh N. đồng ý nhưng đi kèm với việc trả số tiền trên là từ chối trách nhiệm chăm lo đời sống cho bà B.. Điều này đồng nghĩa sau phiên tòa, tình cảm bà cháu giữa anh N. và bà B. đã không còn nguyên vẹn như xưa.
DIỄM PHƯỢNG