Tuyệt đối nhường đường nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ

08:12, 13/12/2023

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ, xe đạp, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và cả những nơi không có vạch kẻ đường, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu, lùi xe...

 

 

Các em học sinh sang đường phải né phương tiện.
Các em học sinh sang đường phải né phương tiện.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ, xe đạp, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và cả những nơi không có vạch kẻ đường, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu, lùi xe...

Luật đã được quy định rõ và có mức chế tài với các phương tiện không nhường đường cho người đi bộ qua đường. Tuy nhiên, hiện nay rất hiếm thấy phương tiện cơ giới đường bộ dừng lại nhường đường cho người đi bộ ở những nơi có biển báo và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường.

Đặc biệt, hiện nay các trường học phổ thông ở khu vực đô thị đa số nằm trên các trục đường giao thông, ở gần cổng trường có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường, nhưng mỗi lần các em học sinh tan học, muốn sang đường như là một lần vượt qua cửa hẹp; các em phải nhìn ngang liếc dọc, vẫy tay xin đường để luồn lách qua hàng chục phương tiện đang vun vút qua lại trên đường.

Một buổi trưa, có dịp đứng quan sát giờ tan học của Trường THPT Nguyễn Thông (Phường 8, TP Vĩnh Long), chứng kiến cảnh các em sang đường mà trong lòng cứ hồi hộp không yên.

Các em đi trên làn dành cho người đi bộ, nhưng phải luôn vẫy tay xin nhường đường. Trong khi phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy cứ lao vun vút, các em phải tự tránh né, còn người điều khiển phương tiện cơ giới cứ “vô tư” mà chạy, hiếm thấy phương tiện nhường đường. Thậm chí họ bấm kèn xe inh ỏi để thúc hối người qua đường, có lẽ họ xem đây là đường giao thông của mình.

Suốt khoảng 30 phút chứng kiến, các em tập trung sang đường từng tốp đông thì có vẻ an tâm hơn, nhưng chỉ 1-2 em sang đường thì các em phải vẫy tay liên tục xin đường và ánh mắt luôn quan sát mọi phía như sự hiểm nguy đang rình rập bản thân mình.

Nhiều người hàng ngày vẫn điều khiển ô tô, xe máy đi trên đường vẫn biết rằng người đi bộ là đối tượng ưu tiên. Họ biết rõ khi gặp người đi bộ hoặc nhìn thấy biển báo, vạch kẻ đường dành riêng cho người đi bộ họ phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ băng qua đường một cách an toàn.

Tuy nhiên, dù nắm được quy định pháp luật nhưng ai cũng muốn nhanh, không nhường nhau, chưa có thói quen, văn hóa nhường đường. Nhiều xe vượt lên trước mặt của người đi bộ để đi nhanh nhất có thể mà không cần quan tâm đến an toàn và tính mạng của người khác.

Có lẽ, mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT còn quá nhẹ đối với hành vi không nhường đường cho người đi bộ. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì mức phạt cao nhất là 200.000-400.000đ đối với ô tô chuyển hướng không nhường đường cho các xe đi ngược chiều, người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ.

Để thực hiện thói quen nhường đường cho người đi bộ, đảm bảo an toàn cho học sinh, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, xử phạt hành vi không nhường đường cho người đi bộ ở những nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường. Qua đó tạo thói quen văn hóa giao thông, nhường đường để ATGT.

Là người tham gia giao thông chúng ta cần phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường. Mọi người cần nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tích cực tham gia xây dựng văn hóa giao thông bằng hành động cụ thể, thiết thực của mình để góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ được quy định tại khoản 4, Điều 11 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh