Tự đăng hình ảnh người khác có vi phạm pháp luật?

02:12, 29/12/2023

Tự ý đăng ảnh, video của người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý sẽ bị xử lý như thế nào?

 

Tự ý đăng ảnh, video của người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý sẽ bị xử lý như thế nào?

Thính giả Trần Phương Anh ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc gửi thư tới VOV2 bày tỏ băn khoăn như sau:

"Con tôi có sử dụng mạng xã hội TikTok, thời gian gần đây, cháu có phàn nàn với tôi là thường xuyên bị các bạn bè ở trường ghi hình cháu nhưng không được sự đồng ý của cháu rồi đăng những clip này lên mạng xã hội TikTok. Xin hỏi hành vi này của các bạn cháu có vi phạm pháp luật không? Gia đình tôi nên làm gì để bảo vệ con mình?"

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết, tại Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ về quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

Theo đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền bất khả xâm phạm, khi sử dụng hình ảnh của người khác phải có sự đồng ý của người đó, trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Theo Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền bất khả xâm phạm, khi sử dụng hình ảnh của người khác phải có sự đồng ý của người đó (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Riêng tại Điều 32 Bộ luật dân sự đã quy định về trường hợp mà người dân có quyền ghi hình mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ chỉ trong hai trường hợp sau:

Thứ nhất, khi hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

Thứ hai, khi hình ảnh được ghi lại từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác, mà không gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người có hình ảnh. Hành vi ghi hình này được thực hiện trong trường hợp không bị ràng buộc bởi các quy định và yêu cầu khác.

Ngoài ra, người dân cũng có quyền chụp hình hoặc quay phim để giám sát cảnh sát giao thông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc quay phim phải tuân thủ các điều kiện quy định tại khoản 5 của Điều 11 trong Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an.

Như vậy, hành vi quay phim, chụp ảnh khi chưa có sự đồng ý của người khác và không thuộc các trường hợp ngoại lệ là một hành vi vi phạm quyền cá nhân về hình ảnh và quyền riêng tư, bí mật cá nhân.

Trong trường hợp cố tình sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý của người đó nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, cá nhân này còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại những chi phí sau: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo Thu Hằng/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh