Tranh chấp vì "nhờ đứng tên nhà đất"

03:12, 19/12/2023

Nguyên đơn định cư nước ngoài gửi tiền về Việt Nam mua nhà đất và nhờ em ruột đứng tên nhưng sau đó phát hiện tài sản bị sang nhượng nên khởi kiện ra tòa.

 

Nguyên đơn định cư nước ngoài gửi tiền về Việt Nam mua nhà đất và nhờ em ruột đứng tên nhưng sau đó phát hiện tài sản bị sang nhượng nên khởi kiện ra tòa.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là bà N.T.M. (Việt kiều Mỹ) và lời trình bày của người đại diện hợp pháp, bà có mua thửa đất hơn 140m2 trên đó có căn nhà cấp 3 ở TP Vĩnh Long nhưng do định cư nước ngoài nên nhờ em ruột là ông N.V.Ph. đứng tên.

Năm 2014, ông Ph. qua đời, bà M. tiếp tục nhờ con ruột ông Ph. là anh P. đứng tên sở hữu, đồng thời lập tờ cam kết với nội dung anh P. thừa nhận chỉ là người đứng tên dùm, không được cầm cố, thế chấp, mua bán, tặng cho dưới bất kỳ hình thức nào nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của nguyên đơn.

Đến năm 2020, bà M. phát hiện anh P. tự ý chuyển nhượng tài sản cho ông C. và chị A. với giá hơn 3,1 tỷ đồng, trong khi giá trị thực tế là 4,3 tỷ đồng. Do vậy, bà M. khởi kiện yêu cầu vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh P. với ông C., chị A..

Ngoài ra, do nhà và đất chị A. quản lý sử dụng nên nguyên đơn yêu cầu chị và anh P. phải trả lại. Trường hợp pháp luật Việt Nam không cho phép nguyên đơn đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà thì anh P. phải trả theo định giá trong quá trình tố tụng.

Trong khi đó, anh P. cho rằng nhà và đất là tài sản của cha anh đã được cấp giấy tờ sở hữu hợp pháp. Cha anh qua đời không để lại di chúc nên anh được hưởng thừa kế, do vậy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh không đồng ý.

Đối với tờ cam kết, anh P. nói đó là “sự nhầm lẫn”. Sau khi được công nhận là chủ sử dụng, sở hữu hợp pháp, anh ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông C. và chị A. theo trình tự thủ tục đúng quy định của pháp luật, hợp đồng đã thực hiện xong nên nguyên đơn yêu cầu vô hiệu anh cũng không đồng ý.

Theo HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long, căn cứ vào nội dung tờ cam kết thì trình bày của nguyên đơn có căn cứ chấp nhận. Trong khi đó, anh P. nói tờ cam kết có sự nhầm lẫn nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. Điều này thể hiện nhà và đất là tài sản của nguyên đơn nhờ bị đơn đứng tên.

Cũng theo HĐXX, thời điểm bà M. gửi tiền nhờ mua nhà đất là năm 2000 nhưng pháp luật thời điểm này quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được giao quyền sử dụng đất thông qua hình thức thuê đất. Do vậy trong trường hợp này nguyên đơn chỉ được nhận lại giá trị tài sản.

Mặt khác, anh P. đã ký cam kết với bà M. nhưng lại chuyển nhượng tài sản cho người khác là vi phạm pháp luật. Từ những căn cứ, nhận định này, HĐXX chấp nhận một phần khởi kiện của bà M., buộc anh P. trả lại cho bà hơn 3,6 tỷ đồng.

Như vậy, vụ kiện trong nội bộ gia đình cũng khép lại sau quá trình giải quyết thỏa đáng của tòa. Nguyên đơn không thể nhận lại bất động sản mà chỉ nhận giá trị được tính bằng tiền, bởi nếu tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam có lẽ đã không xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua.

TRUNG HƯNG 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh