Phòng chống tội phạm cướp ngân hàng

04:12, 15/12/2023

Các vụ cướp ngân hàng, tiệm vàng liên tiếp xảy ra gần đây tại nhiều địa phương thể hiện sự táo tợn và manh động của loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Mặc dù các đối tượng cướp đều bị bắt ngay sau đó nhưng trước hết việc phòng ngừa rất cần được quan tâm thực hiện để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

Diễn tập phòng chống cướp ngân hàng với tình huống giả định.
Diễn tập phòng chống cướp ngân hàng với tình huống giả định.

Các vụ cướp ngân hàng, tiệm vàng liên tiếp xảy ra gần đây tại nhiều địa phương thể hiện sự táo tợn và manh động của loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Mặc dù các đối tượng cướp đều bị bắt ngay sau đó nhưng trước hết việc phòng ngừa rất cần được quan tâm thực hiện để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cướp sử dụng “hàng nóng”

Theo thống kê của Bộ Công an, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 9 vụ cướp và 24 vụ cướp giật tại tiệm vàng, 17 vụ cướp và 6 vụ cướp giật tại cơ sở kinh doanh dịch vụ tiện ích.

Nếu tính từ năm 2015 đến nay, xảy ra 62 vụ cướp tại các chi nhánh ngân hàng, trong đó cơ quan công an đã điều tra, khám phá, xử lý đối tượng gây án đối với 60/62 vụ. Quá trình điều tra cho thấy, các đối tượng nghiên cứu kỹ, lên kế hoạch, phân công vai trò và sử dụng hung khí, vũ khí chủ yếu là súng uy hiếp nhân viên ngân hàng, bảo vệ, chủ cơ sở kinh doanh để cướp tài sản.

Trong 60 vụ cướp ngân hàng thì có 20 vụ các đối tượng dùng súng tự chế, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn chì; 16 vụ các đối tượng dùng súng giả; 2 vụ dùng súng quân dụng; 10 vụ dùng bom, mìn giả; 12 vụ dùng dao, xăng. Như vụ cướp xảy ra tại Phòng giao dịch Nhị Xuân thuộc chi nhánh Sacombank Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 26/10.

3 đối tượng đặt mua 2 súng tự chế, sau đó 2 đối tượng cầm súng vào uy hiếp, khống chế nhân viên ngân hàng, bảo vệ và khách hàng lấy tiền, sau đó phi tang công cụ gây án rồi lẩn trốn. Các đối tượng khai nguyên nhân phạm tội do nợ nần, cần tiền tiêu xài, vướng vào cờ bạc nên cần có một khoản tiền lớn, trong khi bản thân không nghề nghiệp hoặc công việc không ổn định, làm ăn thua lỗ, từ đó nảy sinh ý định cướp tài sản.

Từ kết quả điều tra cho thấy, một số đối tượng có tâm lý lệch chuẩn, suy nghĩ bột phát, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sẵn sàng thực hiện hành vi cướp tài sản để thỏa mãn các nhu cầu tiêu xài cá nhân.

Trong khi đó, một số ngân hàng và cơ sở kinh doanh không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về công tác phòng ngừa tội phạm hoặc ít kinh nghiệm, kỹ năng trong nhận biết, xử lý tình huống.

Chưa trang bị đầy đủ hoặc chưa đảm bảo hoạt động các thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phòng chống tội phạm, không thực hiện đầy đủ quy định về việc kiểm tra, phân loại khách hàng trước khi vào khu vực giao dịch. Lực lượng bảo vệ không đảm bảo sức khỏe và kỹ năng xử lý tình huống nên khi bị đe dọa thì mất bình tĩnh, hoảng sợ.

Chủ động phòng ngừa tội phạm

Xác định công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng công an tổ chức tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn phạm tội của các loại tội phạm.

Trong đó có tội phạm cướp ngân hàng, tiệm vàng để người dân kịp thời nắm bắt, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động có biện pháp phòng ngừa, bảo vệ tính mạng, tài sản. Qua phát động phong trào, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai thực hiện.

Trong đó, mô hình “Phòng chống cướp ngân hàng” trên địa bàn Phường 1 (TP Vĩnh Long) hoạt động từ năm 2018 đã phát huy được tính chủ động trong công tác đấu tranh với tội phạm này, đảm bảo kết nối thông tin giữa ngân hàng và lực lượng làm công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Camera giám sát được bố trí xung quanh cổng ra vào ngân hàng và được truyền về trung tâm giám sát. Bên cạnh là hệ thống báo động khẩn đặt tại các ngân hàng kết nối số điện thoại công an để kịp thời xử lý khi xảy ra tình huống.

Trước sự phức tạp và manh động của tội phạm, nhiều chủ cơ sở kinh doanh các mặt hàng có giá trị lớn như tiệm vàng cũng chủ động trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản. Ông Diệp Quốc (chủ tiệm vàng ở huyện Vũng Liêm) cho biết qua theo dõi thông tin báo chí về các vụ cướp tiệm vàng ông rất lo lắng.

Do vậy, ông đã sửa chữa lại cửa hàng, bên ngoài làm cửa ra vào kiên cố, bên trong quầy giao dịch làm vách ngăn bằng kính. Ngoài ra, ông còn lắp đặt thêm camera ở nhiều vị trí khác nhau để tiện theo dõi hoặc lỡ khi có xảy ra việc gì thì cũng nhận dạng được đối tượng mà trình báo cơ quan chức năng.

Theo kế hoạch, Bộ Công an sẽ tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, quản lý đối tượng, nhất là các đối tượng “nguy cơ cao” gây án như túng quẫn tài chính, nợ nần, làm ăn thua lỗ, vay nặng lãi, thất nghiệp, tham gia tệ nạn xã hội, nghiện ma túy. Đồng thời, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để ngăn chặn nguồn công cụ gây án.

Bộ Công an cũng tổ chức tập huấn và diễn tập thực địa phương án về xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội phù hợp với đặc điểm, quy mô, điều kiện tại từng địa phương.

Dịp này, Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp chiến lược tổng thể để phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng.

Các ngân hàng, cơ sở kinh doanh cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng vệ cho nhân viên và lực lượng bảo vệ sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện, đánh giá, xử lý tình huống.

Cung cấp số điện thoại, đường dây nóng, kết nối hệ thống cảnh báo, báo động sớm, kết nối tín hiệu cảnh báo khẩn cấp từ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đến cơ quan công an gần nhất.

Đối với Bộ Thông tin-TT, cần có giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ các hội nhóm, nội dung tiêu cực kích thích hành vi tội phạm cướp ngân hàng, cướp tài sản trên không gian mạng.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh