
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã phản ánh tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua sim điện thoại, các dịch vụ chuyển tiền trên điện thoại thông minh hiện nay xuất hiện rất nhiều. Từ đó, người dân kiến nghị cần có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm tình trạng lừa đảo trực tuyến này.
![]() |
Các chia sẻ cảnh giác của cơ quan chức năng và người dân về lừa đảo trực tuyến. |
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã phản ánh tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua sim điện thoại, các dịch vụ chuyển tiền trên điện thoại thông minh hiện nay xuất hiện rất nhiều. Từ đó, người dân kiến nghị cần có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm tình trạng lừa đảo trực tuyến này.
Đơn cử, chị L.A. (xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn) cho biết bản thân thường xuyên bị các số điện thoại lạ “quấy rầy”. Gần đây nhất, chị L.A. nhận được cuộc gọi báo trúng thưởng và yêu cầu kết bạn Zalo để “gửi hình chọn quà”. Đã có kinh nghiệm về các thủ đoạn lừa đảo online nên chị L.A. “nói không có sử dụng Zalo và từ chối, cúp máy”.
Ngay sau đó, đối tượng gọi lại cho chị L.A. và sử dụng câu từ khiếm nhã, hăm dọa sẽ đến tận nhà để “làm cho ra lẽ”. Chị L.A. cũng cho biết thêm, trước đó đã có đối tượng liên hệ qua tài khoản mạng xã hội “tự xưng là người nước ngoài cần gửi quà về Việt Nam với các phần quà vô cùng giá trị”.
Còn chú Q.T. (Phường 2, TP Vĩnh Long) trăn trở: “Vì số điện thoại sử dụng cho công việc nên số lạ tôi vẫn bắt máy. Tuy nhiên, khi bắt máy thì toàn là giả danh công an yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản ngân hàng, nhân viên cửa hàng tiện lợi báo trúng thưởng và cả nhân viên viễn thông hù dọa khóa thuê bao”. Chú T. mong rằng: “Sớm có biện pháp giải quyết để bà con không còn lo khi thấy số lạ gọi đến”.
Trong năm 2023, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 28 tin báo, tố giác về tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại là hơn 17,4 tỷ đồng.
Theo đó, các đối tượng sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức như: giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện đe dọa bị hại có liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền, sau đó yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, chuyển tiền để phục vụ điều tra nhằm chiếm đoạt;
tuyển cộng tác viên bán hàng online, yêu cầu bị hại chuyển tiền mua đơn hàng sau đó chiếm đoạt tài sản; sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; vay tiền qua các app online và yêu cầu chuyển tiền đóng các khoản phí do sai lệch thông tin, hồ sơ… Những hình thức này đã có tuyên truyền, cảnh báo người dân nhiều lần.
Trước tình hình trên, theo UBND tỉnh, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án về đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Phát huy vai trò của BCĐ An toàn, an ninh mạng quốc gia; các tiểu ban tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh và xử lý nghiêm các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Song song đó, tăng cường công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng; tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình “Tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.
Mặt khác, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên rà soát, theo dõi, nắm tình hình trên không gian mạng, các trang báo điện tử, mạng xã hội; thực hiện tốt công tác nắm chặt tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn. Nâng cao trình độ về pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho lực lượng làm công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Về chế tài xử lý đối tượng có hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tùy tính chất, mức độ, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 144 năm 2021 của Chính phủ hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân; ngoài ra còn có thể bị phạt bổ sung từ 10-100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu từ một phần đến toàn bộ tài sản. |
Bài, ảnh: AN CHI