Do thợ làm nhà vô tình xây lấn qua đất giáp ranh nên chủ nhà bị hàng xóm kiện yêu cầu phải tháo dỡ nhà trả lại đất, nguy cơ thiệt hại rất lớn nếu tranh chấp không được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Do thợ làm nhà vô tình xây lấn qua đất giáp ranh nên chủ nhà bị hàng xóm kiện yêu cầu phải tháo dỡ nhà trả lại đất, nguy cơ thiệt hại rất lớn nếu tranh chấp không được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Trong đơn khởi kiện, chị L.T.Q.T. (ở TP Hồ Chí Minh) trình bày: Chị hưởng thừa kế thửa đất 542 tọa lạc ở TP Vĩnh Long từ cha mẹ và đã được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cùng tài sản gắn liền với đất, giáp ranh là phần đất của ông N.T.Tr.. Quá trình sử dụng đất, phía ông Tr. đã xây nhà, làm hàng rào lấn qua đất của chị ngang trước khoảng 0,9m và sau khoảng 3,6-3,8m với tổng diện tích khoảng 25,3m2. Chị nhiều lần yêu cầu ông Tr. trả lại phần đất trên nhưng ông Tr. không có thiện chí. UBND phường đã hòa giải nhưng vẫn không giải quyết được tranh chấp nên chị khởi kiện yêu cầu ông Tr. trả lại 25,3m2 đất như hiện trạng ban đầu.
Ông Tr. không đồng ý với lý do sử dụng đất đúng theo giấy chứng nhận QSDĐ và nhà ở được cấp. Phần đất này có nguồn gốc do chị T. chuyển nhượng, sau khi làm thủ tục tách thửa thì ông và con trai được đứng tên thừa hưởng. Lúc gia đình ông xây nhà, đã xây trong phần đất được cơ quan chuyên môn định vị nhưng chị T. không ngăn cản hay tranh chấp. Đến lúc đo đạc thực tế thì phát hiện thợ làm nhà vô tình xây lấn qua đất chị T. nên ông đồng ý trả lại giá trị 25,3m2 đất bằng tiền chứ không đồng ý tháo dỡ nhà, di dời tài sản.
Theo HĐXX, yêu cầu hoàn trả giá trị 25,3m2 đất của ông Tr. là có cơ sở chấp nhận. Bởi thửa đất ông Tr. và con trai đang thừa hưởng có nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ chị T.. Theo trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 11/4/2023 thì phần đất các bên tranh chấp có 0,3m2 thuộc đường công cộng và 0,4m2 thuộc QSDĐ của ông Tr., còn 25,3m2 thuộc QSDĐ của chị T.. Trên đất tranh chấp hiện có một phần nhà khung bê tông cốt thép, mái tôn, vách tường do ông Tr. quản lý sử dụng, được xây từ năm 2018. Ông Tr. thừa nhận phần nhà của ông có lấn sang đất chị T. nhưng nếu tháo dỡ một phần để trả lại đất sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu làm căn nhà có thể đổ sụp, gây thiệt hại tài sản rất lớn cho gia đình ông nên buộc ông Tr. trả lại giá trị 25,3m2 đất bằng tiền cho chị T. là phù hợp và có cơ sở chấp nhận.
Hiện giá đất Nhà nước quy định áp dụng cho loại đất trồng cây lâu năm và tại vị trí đất mà chị T. và ông Tr. đang tranh chấp là 270.000 đ/m2 nhưng ông Tr. đồng ý hoàn trả cho chị T. với giá 2,5 triệu đồng/m2 là cao hơn nhiều so với giá Nhà nước quy định nên giao ông Tr. tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp là phù hợp và bảo đảm quyền lợi các đương sự. Do đó, HĐXX đã tuyên ông Tr. được quyền sử dụng 25,3m2 đất thuộc thửa 542 và được liên hệ cơ quan chức năng kê khai đăng ký QSDĐ theo quy định, đồng thời ông Tr. phải có trách nhiệm hoàn trả giá trị 25,3m2 đất cho chị T. tương đương hơn 63,2 triệu đồng. Cách giải quyết trên được xem là “vẹn lý, hợp tình” vì ông Tr. không phải tháo dỡ nhà, còn quyền lợi của chị T. thì vẫn được đảm bảo.
DIỄM PHƯỢNG