Bạn hỏi vay tiền sửa nhà nhưng không trả, sau đó bỏ trốn nên bên cho vay khởi kiện yêu cầu người thân đang sống cùng nhà với bạn phải liên đới trả nợ.
Bạn hỏi vay tiền sửa nhà nhưng không trả, sau đó bỏ trốn nên bên cho vay khởi kiện yêu cầu người thân đang sống cùng nhà với bạn phải liên đới trả nợ.
Anh T.D.K. (ở huyện Long Hồ) và chị L.T.N.H. (ở TP Vĩnh Long) là bạn bè thân quen từ nhỏ. Do đó, khi chị H. hỏi vay 320 triệu đồng để sửa chữa căn nhà đang ở cùng người thân là bà N.T.K.N. (ở Phường 3, TP Vĩnh Long) thì anh K. đồng ý.
Ngày 26/11/2015, anh K. và chị H. lập hợp đồng vay 320 triệu đồng có công chứng, lãi suất thỏa thuận 10 %/năm, thời hạn vay 6 tháng, không thế chấp tài sản hay áp dụng bất kỳ hình thức nào để bảo đảm tiền vay. Tuy nhiên, sau khi vay tiền, chị H. đóng lãi được 3 triệu đồng thì ngưng và chặn tất cả liên lạc, anh K. đến nhà tìm đòi nợ nhiều lần nhưng không gặp nên ngày 31/10/2022 đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu chị H. và bà N. liên đới trả tiền vốn vay 320 triệu đồng cùng tiền lãi trong hạn, quá hạn theo quy định.
Bà N. không đồng ý yêu cầu khởi kiện của anh K. với lý do bà không có ký tên trong hợp đồng vay ngày 26/11/2015 và cũng không biết chị H. vay tiền của anh K. sử dụng vào mục đích gì.
Thực tế, căn nhà bà N. đang ở xây dựng từ năm 2003 có sở hữu nhà, đến nay không có nâng cấp sửa chữa nên anh K. cho rằng chị H. vay tiền để sửa nhà là không đúng. Hiện chị H. gây nợ, đã bỏ nhà rời khỏi địa phương chuyển hộ khẩu về nơi ở khác, không còn cư trú cùng nhà với bà N. đã nhiều năm. Khi sinh sống cùng bà N. thì chị H. còn nhỏ, không có thu nhập riêng để cùng sở hữu tài sản nên bà N. không đồng ý liên đới trả số nợ trên.
Theo HĐXX, sau khi thụ lý vụ án, tòa đã tống đạt văn bản tố tụng và thông báo kết quả công khai chứng cứ, hòa giải nhiều lần nhưng chị H. đều vắng mặt không lý do, cũng không có ý kiến phản hồi. Đến thời điểm xét xử, chị H. cũng không có mặt xuất trình chứng cứ để chứng minh bảo vệ quyền lợi cho mình nên phải chịu hậu quả theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Xét hợp đồng vay tiền ngày 26/11/2015 giữa anh K. và chị H., về hình thức là sự tự nguyện giữa đôi bên và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi anh K. giao tiền cho chị H. thì không có bà N. chứng kiến. Bà N. cũng không ký tên trong hợp đồng.
Quá trình giải quyết vụ kiện, anh K. không đưa ra được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh có sự đồng thuận của bà N. trong việc vay tiền và sử dụng tiền vay vào mục đích sửa nhà. Anh K. cho rằng, chị H. sinh sống cùng bà N. tại căn nhà trên nên căn nhà là tài sản thuộc hộ gia đình.
Để chứng minh chị H. là đồng sở hữu của căn nhà, anh K. có liên hệ cơ quan chức năng để xác minh nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ.
Tại buổi xét xử, anh K. cũng không yêu cầu tạm dừng phiên tòa để thực hiện quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ, giấy tờ nhà đất chứng minh đồng sở hữu, sử dụng giữa chị H. và bà N. cũng như chứng minh số tiền vay đã đầu tư vào việc sửa nhà bà N. đang ở. Do đó, yêu cầu bà N. liên đới cùng chị H. trả nợ của anh K. không có căn cứ chấp nhận.
Do bà N. không phải liên đới trả nợ nên HĐXX đã tuyên chị H. có nghĩa vụ trả toàn bộ nợ gốc 320 triệu đồng và tiền lãi trong hạn, quá hạn hơn 319 triệu đồng, tổng cộng hơn 639 triệu đồng. Nếu chị H. không trả số tiền trên cho anh K. thì phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi cho đến khi thi hành xong bản án.
DIỄM PHƯỢNG