Hơn 20 năm sau khi nhận chuyển nhượng đất nhưng bên bán vẫn chưa thực hiện các thủ tục để bên mua đăng ký quyền sở hữu, từ đó xảy ra tranh chấp, thưa kiện.
Hơn 20 năm sau khi nhận chuyển nhượng đất nhưng bên bán vẫn chưa thực hiện các thủ tục để bên mua đăng ký quyền sở hữu, từ đó xảy ra tranh chấp, thưa kiện.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2000, bà L. bán cho ông Th. (cùng ngụ huyện Mang Thít) các phần đất thuộc 2 thửa có tổng diện tích lần lượt là 571,5m2 (thuộc thửa 124) và 185m2 (thuộc thửa 125).
Hợp đồng dạng giấy viết tay, ông Th. thanh toán đủ tiền và bà L. cũng đã giao đất nên ông xây nhà xưởng, mái che, tường rào kiên cố. Dù bên bán đã nhận tiền và giao đất nhưng đến nay không tiến hành các thủ tục tiếp theo nên ông Th. khởi kiện ra TAND huyện Mang Thít yêu cầu giải quyết cho ông được quyền sử dụng 2 phần đất trên.
Theo kết quả đo đạc, 2 phần đất này có diện tích thực là 399,1m2 và 121,6m2 (tổng 520,7m2). Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, bà L. chuyển nhượng toàn bộ thửa đất số 125 cho anh B. trong đó có phần đất diện tích 121,6m2 mà bà đã bán cho ông Th.. Anh B. sau đó thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay tiền.
Để đảm bảo quyền lợi, ông Th. có thêm yêu cầu tòa giải quyết theo hướng vô hiệu một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà L. và anh B., vô hiệu một phần hợp đồng thế chấp tài sản của anh B. với ngân hàng.
Trong khi đó, bà L. cho rằng 2 thửa đất 124 và 125 là bà hưởng thừa kế từ chồng nên khi thỏa thuận chuyển nhượng cho ông Th. bà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lại là tài sản chung của gia đình, một mình bà tự ý chuyển nhượng cho ông Th. là không đúng. Bà còn “phản tố”, yêu cầu vô hiệu các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bà hứa trả lại cho ông Th. tiền, còn ông phải trả đất lại cho bà.
Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ việc và trình bày của các đương sự, tòa cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Th., công nhận ông được quyền sử dụng 2 phần đất.
Sự việc được giải quyết rõ ràng theo quy định pháp luật nhưng bà L. không chấp nhận mà kháng cáo yêu cầu tòa cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án, chấp nhận yêu cầu phản tố của bà.
Tại tòa, sau khi xem xét văn bản trả lời của các cơ quan chức năng, HĐXX nhận định việc mua bán đất giữa bà L. và ông Th. là thực tế có diễn ra và hợp pháp. Ngoài ra, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận các phần đất theo thỏa thuận chuyển nhượng được ông Th. sử dụng từ năm 2000 và ông đã thanh toán tiền đầy đủ cho bà L..
Tòa dẫn chứng Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định: Nếu bên nhận chuyển nhượng đã trả đủ tiền chuyển nhượng đất, bên chuyển nhượng đã giao toàn bộ diện tích đất thì tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất đó.
Hơn nữa, từ khi bà L. được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và trong quá trình ông Th. quản lý sử dụng đất công khai, các con của bà L. đều biết và không ai khiếu nại. Bà L. cũng không cung cấp thêm chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là hợp lý nên kháng cáo của bà không được tòa chấp nhận.
Bên cạnh, tòa còn tuyên vô hiệu một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà L. và anh B., vô hiệu một phần hợp đồng thế chấp bất động sản giữa anh B. với ngân hàng.
Như vậy, từ việc mua bán đất được hai bên đồng tình thỏa thuận nhưng do không hiểu rõ các quy định pháp luật nên bị đơn đã không thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cần thiết. Tranh chấp xảy ra là điều đáng tiếc, hơn nữa lại diễn ra nhiều năm làm mất thời gian, công sức của các đương sự. Đây cũng là kinh nghiệm, bài học khi thực hiện các giao dịch dân sự cần thực hiện đúng các quy định pháp luật.
TRUNG HƯNG