Thủ đoạn "lấy lại tiền bị lừa đảo"

05:11, 07/11/2023

Bị lừa đảo và cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ để lấy lại tài sản, nạn nhân đâu ngờ lại rơi vào bẫy một lần nữa với thủ đoạn "lấy lại tiền bị lừa đảo".

 

Chỉ cần gõ từ khóa “lấy lại tiền bị lừa đảo” trên công cụ tìm kiếm của các trang mạng xã hội, rất nhiều hội nhóm, tài khoản cá nhân sẽ xuất hiện tư vấn, nếu không cảnh giác sẽ rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo.
Chỉ cần gõ từ khóa “lấy lại tiền bị lừa đảo” trên công cụ tìm kiếm của các trang mạng xã hội, rất nhiều hội nhóm, tài khoản cá nhân sẽ xuất hiện tư vấn, nếu không cảnh giác sẽ rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo.

Bị lừa đảo và cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ để lấy lại tài sản, nạn nhân đâu ngờ lại rơi vào bẫy một lần nữa với thủ đoạn “lấy lại tiền bị lừa đảo”.

Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin-TT), các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý liên quan đến vấn đề pháp luật để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo liên tục chạy quảng cáo, gửi tin nhắn, giả dạng các thương hiệu, nhãn hàng có tiếng để thu hút những người đang có nhu cầu tìm việc. Từ đó, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân làm nhiệm vụ như xem video, mua đơn hàng ảo, đánh giá doanh nghiệp để nhận thưởng. Trong khi đó, nhiều nạn nhân vì thấy việc kiếm tiền quá đơn giản nên lơ là mất cảnh giác, lúc này kẻ lừa đảo dụ dỗ họ đóng phí để “nâng cấp gói nhiệm vụ” nhằm nhận được nhiều phần thưởng lớn hơn.

Với chiêu trò này, nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền đến hàng trăm triệu đồng. Rơi vào bẫy lừa đảo, dẫn đến tâm lý “tiếc của”, hoang mang, nhiều người chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội với mong muốn tìm người giúp đỡ lấy lại tài sản thì tiếp tục bị lừa đảo một lần nữa.

Theo đó, chỉ cần tìm kiếm trên Facebook với từ khóa “lấy lại tiền lừa đảo” ngay lập tức xuất hiện nhiều nhóm với hàng ngàn đến hàng chục ngàn thành viên, công khai quảng cáo giúp lấy lại tiền. Thực tế, các đối tượng sử dụng phần mềm phát tán các tin nhắn, hình ảnh chứng minh các vụ việc đã lấy lại được tài sản để tạo lòng tin cho các nạn nhân, tiếp đó dẫn dụ họ bằng nhiều “màn kịch” khác nhau.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Vĩnh Long), đối tượng lừa đảo mạo danh những nhân vật đáng tin cậy như công an, nhân viên ngân hàng để thuyết phục nạn nhân tin tưởng chúng có thể lấy lại tiền đã bị mất. Khi tạo được lòng tin, chúng tiếp tục yêu cầu thanh toán phí xử lý, phí pháp lý hoặc cung cấp thông tin cá nhân như: số tài khoản ngân hàng, mã OTP, số điện thoại, số CCCD. Sau khi nhận được tiền và thông tin cá nhân, đối tượng chiếm đoạt, cắt liên lạc.

Trong vai “nạn nhân” tham gia làm nhiệm vụ mua hàng online trên một trang thương mại điện tử và bị lừa đảo mất tiền, phóng viên liên hệ với tài khoản Facebook Q.T. và ngay lập tức nhận được phản hồi với cam kết “chỉ cần bạn còn đủ bằng chứng là mình có thể lấy lại số tiền, đảm bảo thành công 100%”.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Q.T. yêu cầu phóng viên phải đóng “phí xử lý” tương đương 10% so tổng số tiền bị chiếm đoạt để “tạo kẽ hở trong hệ thống”. Khi phóng viên thắc mắc vấn đề này, Q.T. nói đây là điều kiện bắt buộc, đồng thời cho xem hình ảnh nhiều người đã lấy lại được tiền và khuyên cứ yên tâm đóng phí.

Theo điều tra của lực lượng công an, thông qua những lời dụ dỗ về việc “đặt cọc” hay “tạo kẽ hở trong hệ thống” để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng một khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó, chẳng hạn như bị lừa 100 triệu thì cần phải đóng 10-20%, tương đương 10-20 triệu đồng. Nhận thấy đây chỉ là một phần không đáng kể trong số tiền đã bị chiếm đoạt và cũng với hy vọng “lấy lại được những gì đã mất”, không ít nạn nhân tiếp tục rơi vào bẫy lừa đảo.

Cũng trong thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc đơn vị cấp phòng của công an một số tỉnh, thành để hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Do vậy, cơ quan này lưu ý người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Để không rơi vào bẫy lừa đảo này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Vĩnh Long) khuyến cáo người dân tuyệt đối không được thực hiện và cần tuân thủ phương châm “không rõ người, không rõ việc thì không chuyển khoản”. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: tài khoản ngân hàng, mã OTP, số CCCD qua điện thoại, email hay tin nhắn với bất kỳ ai mà không quen biết hay chỉ quen qua mạng xã hội.

TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh