"Báo chốt giao thông" trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật

05:11, 21/11/2023

Chia sẻ, thông báo vị trí tuần tra, kiểm soát của CSGT không những khiến nhiều lái xe chủ quan, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn mà còn vô tình tiếp tay cho nhiều hành vi vi phạm khác.

 

 

 Lực lượng CSGT tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT. Do đó, việc thông báo vị trí tuần tra, kiểm soát của CSGT trên mạng xã hội là vi phạm, dẫn đến người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, đối phó. Ảnh: Tư liệu minh họa
Lực lượng CSGT tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT. Do đó, việc thông báo vị trí tuần tra, kiểm soát của CSGT trên mạng xã hội là vi phạm, dẫn đến người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, đối phó. Ảnh: Tư liệu minh họa

Chia sẻ, thông báo vị trí tuần tra, kiểm soát của CSGT không những khiến nhiều lái xe chủ quan, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn mà còn vô tình tiếp tay cho nhiều hành vi vi phạm khác.

Thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Thông qua đó, từng bước kéo giảm số vụ, số người chết, bị thương và thiệt hại tài sản bởi tai nạn giao thông.

Đây là hoạt động đúng đắn của cơ quan chức năng nhưng thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số cá nhân thông báo, chia sẻ trên mạng xã hội vị trí “chốt” CSGT tuần tra, kiểm soát tốc độ, đo nồng độ cồn,... Với từ khóa tìm kiếm “báo chốt giao thông”, mạng xã hội Facebook ngay lập tức xuất hiện các hội nhóm liên quan như: cảnh báo các chốt giao thông, chốt đo nồng độ cồn, hội báo chốt, tránh chốt,…

Các hội nhóm này có thể kín hoặc công khai với hàng trăm đến hàng ngàn thành viên hoạt động sôi nổi, liên tục thông báo các địa điểm, thời gian tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT bất kể ngày hay đêm.

Dưới mỗi dòng trạng thái là những lời bình luận, có người bày tỏ sự cảm ơn, có người hướng dẫn đi đường khác tránh “chốt” và cũng có không ít những bình luận phản cảm.

Ngoài nhiệm vụ “báo chốt”, các hội nhóm còn là nơi các tài xế “giao lưu” hỏi các tuyến đường sắp đi qua có “chốt” không, cách đối phó với CSGT khi bị kiểm tra giấy tờ, đo nồng độ cồn. Các hành vi vừa nêu, theo đánh giá của Bộ Công an thì dù vô tình hay cố ý cũng có thể dẫn đến tâm lý chủ quan của người tham gia giao thông.

Nhiều người cho rằng hành vi “báo chốt” CSGT thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội là hành vi đơn giản, vô hại. Nhưng chính những nhận thức phiến diện đó đã vô tình tiếp tay gây nguy hiểm cho xã hội. Nhiều người sau khi sử dụng rượu, bia vẫn lái xe, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông.

Cơ quan công an một số địa phương đã phát hiện, mời làm việc các trường hợp vi phạm, qua đó tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý hành chính nếu đủ căn cứ.

Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lâm Đồng) phát hiện nhiều trang, hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram có hành vi thông báo, chia sẻ vị trí, khu vực tuần tra, kiểm soát tốc độ, đo nồng độ cồn, thực thi nhiệm vụ của CSGT không chỉ ở Lâm Đồng mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác.

Công an mời làm việc 5 cá nhân tạo lập, quản lý các trang này, trong đó phạt hành chính 2 cá nhân với hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” theo quy định tại Nghị định số 15 của Chính phủ.

Tại Vĩnh Long, cơ quan công an cũng đã tăng cường rà soát trên không gian mạng, kịp thời đã phát hiện, gỡ bỏ các thông tin “báo chốt” tuần tra của CSGT trên mạng xã hội. Qua đây, tuyên truyền nhắc nhở những người liên quan không tái phạm, tuân thủ các quy định của pháp luật khi sử dụng mạng xã hội.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Bé Năm- Phó Phòng CSGT (Công an tỉnh), hành vi “báo chốt” CSGT không những vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự ATGT mà còn có thể vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu hoặc các đối tượng phạm tội khác tìm cách đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Theo Bộ Công an, hiện việc đăng tải các bài viết có nội dung “báo chốt” CSGT vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống và đang có xu hướng dịch chuyển phương thức hoạt động sang những thủ đoạn tinh vi hơn, sử dụng các ngôn từ, cách diễn đạt mang tính ám chỉ, tiếng lóng,… mà khi người khác đọc vào có thể hiểu muốn nói đến “chốt” kiểm tra của CSGT.

Do vậy, lực lượng công an sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt hơn đối với các hành vi vi phạm tương tự.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh