Gây thiệt hại hơn 12,3 tỷ đồng, 3 bị can gồm: Đoàn Văn Hùng (SN 1963)- nguyên Giám đốc BVĐK Vĩnh Long; Phan Thị Ngọc Thấm (SN 1980)- nguyên Kỹ thuật viên trưởng phụ trách Khoa Sinh hóa- Vi sinh- Miễn dịch- Sinh học phân tử; Đinh Thị Thanh Chi (SN 1968)- nguyên Phó Trưởng Khoa Dược (BVĐK Vĩnh Long)
Gây thiệt hại hơn 12,3 tỷ đồng, 3 bị can gồm: Đoàn Văn Hùng (SN 1963)- nguyên Giám đốc BVĐK Vĩnh Long; Phan Thị Ngọc Thấm (SN 1980)- nguyên Kỹ thuật viên trưởng phụ trách Khoa Sinh hóa- Vi sinh- Miễn dịch- Sinh học phân tử; Đinh Thị Thanh Chi (SN 1968)- nguyên Phó Trưởng Khoa Dược (BVĐK Vĩnh Long) bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long truy tố ra trước TAND cùng cấp để xét xử vì tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, tháng 4/2021, BVĐK Vĩnh Long được giao thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 trên địa bàn toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Nguồn vốn từ nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 và nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của BVĐK Vĩnh Long năm 2021.
Cũng trong thời gian này, Trần Tiến Lực là nhân viên kinh doanh của Công ty CP Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) đến gặp trực tiếp Đoàn Văn Hùng và Phan Thị Ngọc Thấm để giới thiệu sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm COVID-19 và dụng cụ, vật tư tiêu hao do Công ty Việt Á sản xuất. Qua trao đổi, Lực có nói Công ty Việt Á sẽ cho BVĐK Vĩnh Long được tạm ứng trước kit test COVID-19 và trả tiền sau.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Việt Á là Phan Quốc Việt yêu cầu các đơn vị y tế nhà nước có nhu cầu sử dụng kit test COVID-19 phải soạn thảo công văn mượn hàng theo mẫu của công ty với nội dung “Đơn vị cam kết sẽ hoàn thiện các thủ tục và thực hiện thanh toán số hàng đã tạm ứng truớc theo đơn giá tại thời điểm mượn hàng” gửi cho nhân viên bán hàng phụ trách vùng để nhân viên bán hàng gửi cho Việt xem xét, duyệt qua Viber nhóm “Covid-19MN”.
Nếu không có nội dung trên, các bộ phận của Công ty Việt Á sẽ không cho tạm ứng hàng hóa, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng kit test tăng cao nên Hùng đã chỉ đạo Thấm và Chi phối hợp thực hiện thủ tục mượn hóa chất xét nghiệm COVID-19 trước của Công ty Việt Á, với cam kết sẽ hoàn thiện thủ tục và thực hiện thanh toán hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm y tế toàn bộ, đầy đủ.
Từ đó, Công ty Việt Á đã cho BVĐK Vĩnh Long ứng trước tổng cộng 15 lần với các loại hóa chất xét nghiệm, tách chiết, vật tư tiêu hao, trong đó có 58.601 kit test PCR COVID-19.
Đồng thời, cam kết sẽ hoàn thiện thủ tục, thực hiện thanh toán sinh phẩm cho Công ty Việt Á theo giá từng thời điểm, cụ thể: trước ngày 2/7/2021, giá bán 1 kit test là 509.250đ; từ ngày 3/7/2021 đến trước ngày 10/8/2021, giá bán 1 kit test là 470.000đ; từ sau ngày 10/8/2021, giá bán 1 kit test là 367.500đ.
Từ ngày 29/4/2021 đến tháng 11/2021, Hùng chỉ đạo Thấm và Chi liên hệ và Trần Thị Hồng là nhân viên Phòng Kinh doanh của Công ty Việt Á cung cấp 3 bảng báo giá.
Thực chất các bảng báo giá đều do các công ty “con”, công ty đối tác của Công ty Việt Á để hợp thức hồ sơ xin dự toán kinh phí mua kit test COVID-19, hồ sơ xét thầu, chỉ định thầu, với nguyên tắc soạn thảo báo giá “giá của công ty khác phải cao hơn giá của Công ty Việt Á” để Công ty Việt Á được chỉ định thầu.
Từ tháng 5/2021-9/2021, BVĐK Vĩnh Long và Công ty Việt Á đã hợp thức bằng cách làm hồ sơ 6 gói thầu cho Công ty Việt Á được chỉ định thầu theo thủ tục chỉ định thầu thông thường, sau đó ký và thanh toán 4 hợp đồng với số tiền hơn 24,1 tỷ đồng, trong đó có mua bán 37.000 kit test xét nghiệm COVID-19 hơn 17,6 tỷ đồng.
Sau đó, Lực báo cáo Việt về việc chi phần trăm ngoài hợp đồng (tương đương 20%) dựa trên số tiền mà BVĐK Vĩnh Long đã thanh toán tính đến hết tháng 8/2021 là hơn 16,8 tỷ đồng. Như vậy, số tiền chi ngoài hợp đồng là hơn 3,3 tỷ đồng. Quá trình điều tra đủ căn cứ chứng minh, Hùng nhận 1,4 tỷ đồng, Thấm nhận 850 triệu đồng và Chi nhận 100 triệu đồng của Công ty Việt Á, phù hợp tài liệu điều tra thu thập được và lời khai của những người có liên quan.
Cũng trong quá trình điều tra, 3 bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền trên. Căn cứ tài liệu của Công ty Việt Á về chi phí nguyên vật liệu, số lượng sản phẩm đã sản xuất và mức lợi nhuận 5% theo quy định, thì mỗi kit test có chi phí sản xuất tối đa là 143.461đ. Do vậy, số tiền thiệt hại do Phan Quốc Việt và các cá nhân liên quan của Công ty Việt Á gây ra tại BVĐK Vĩnh Long là hơn 12,3 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt và các cá nhân liên quan không chỉ diễn ra ở Vĩnh Long mà trên phạm vi cả nước và đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an thụ lý điều tra. Hiện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng. Do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Vĩnh Long) và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long không xem xét xử lý đối với sai phạm của Phan Quốc Việt và các cá nhân liên quan thuộc Công ty Việt Á trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BVĐK Vĩnh Long. |
TRUNG HƯNG