"Ôm hận" vì cho vay tiền đáo hạn ngân hàng

03:10, 13/10/2023

Dùng thủ đoạn "cần tiền đáo hạn ngân hàng", các bị cáo huy động số tiền lớn nhưng chiếm đoạt để chi tiêu việc riêng. Còn các bị hại do tin tưởng tiền cho vay sẽ sinh lời hấp dẫn nên rơi vào bẫy lừa đảo.

Dùng thủ đoạn “cần tiền đáo hạn ngân hàng”, các bị cáo huy động số tiền lớn nhưng chiếm đoạt để chi tiêu việc riêng. Còn các bị hại do tin tưởng tiền cho vay sẽ sinh lời hấp dẫn nên rơi vào bẫy lừa đảo.

Đáo hạn là ngôn ngữ chung dùng để chỉ ngày đến hạn, sắp hết thời hạn theo hợp đồng, thanh toán hợp đồng hay trả nợ khi vay vốn ngân hàng. Trường hợp này xảy ra khi người vay tiền cần kéo dài hoặc gia hạn thêm thời gian vay do chưa thể trả hết nợ. Đáo hạn không chỉ gia hạn khoản vay mà còn giúp người vay không rơi vào nhóm nợ xấu ảnh hưởng đến lịch sử giao dịch.

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN), ngân hàng không cho phép người vay tiền vay của ngân hàng để đáo hạn khoản vay hay đảo nợ. Do vậy, nhiều người đã tìm đến các dịch vụ cho vay bên ngoài để có được nguồn tiền đáo hạn. Lợi dụng nhu cầu cấp thiết này, nhiều đối tượng đã huy động số tiền lớn nhưng lại không sử dụng đúng cam kết.

Qua các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với thủ đoạn nêu trên, được ngành tòa án đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua cho thấy, các bị cáo đều là những người có uy tín trong xã hội, từng làm việc trong ngân hàng nên quen biết nhiều người có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư sinh lời thông qua dịch vụ đáo hạn. Những lần đầu đôi bên “ăn đồng, chia đủ”, đợi đến lúc “cá cắn câu” thì các bị cáo mới lộ bản chất là kẻ lừa đảo.

Như trường hợp của Nguyễn Lê Duy Ân (SN 1989, ngụ huyện Bình Tân) trong thời gian làm việc cho một chi nhánh ngân hàng ở Vĩnh Long, bị cáo kinh doanh thêm nghề tay trái là dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho các khách hàng quen biết.

Thời gian đầu, bị cáo luôn thể hiện là người làm ăn uy tín, trả tiền vốn và lãi như cam kết cho các “nhà đầu tư”. Đến khi cần tiền tiêu xài, Ân nhận được tiền nhưng không cho người khác vay lại để đáo hạn ngân hàng mà “ém” bỏ túi riêng tiêu xài. Trong các bị hại, có anh T.M.Th. (TP Vĩnh Long) mặc dù cẩn thận nhưng không tránh khỏi mánh khóe của bị cáo.

Theo đó, anh Th. đồng ý cho Ân vay tiền nhưng phải cho gặp người cần đáo hạn ngân hàng mới yên tâm, còn tiền sẽ chuyển vào tài khoản. Thực hiện ý đồ lừa đảo, Ân giả vờ đồng ý với yêu cầu này. Trước khi cho đôi bên gặp nhau, Ân dặn ông V. là có người bạn cho bị cáo vay tiền đáo hạn ngân hàng nên hỏi mượn tài khoản của ông V. để chuyển tiền, bởi bị cáo là nhân viên ngân hàng trực tiếp nhận tiền sẽ không tiện.

Sau khi sắp xếp cho ông V. và anh Th. gặp nhau, Ân đề nghị ông V. ký trước 2 ủy nhiệm chi nhưng không ghi nội dung, đợi khi anh Th. chuyển tiền mới điền vào và rút ra để đáo hạn ngân hàng. Với thủ đoạn này, Ân đã lừa đảo trót lọt và chiếm đoạt của anh Th. 2,5 tỷ đồng. Còn ông V. lúc này mới vỡ lẽ, do tin tưởng và muốn trả ơn, bởi trước đó nhiều lần được bị cáo giúp đỡ tiền bạc.

Tiền chiếm đoạt của các bị hại, Ân dùng vào việc riêng, trong đó có trả nợ cho Nguyễn Phước Tân (SN 1991, ngụ huyện Vũng Liêm). Tân là bạn bè với Ân và cũng là bị cáo trong vụ án lừa đảo với hình thức vay tiền đáo hạn ngân hàng. Chỉ trong thời gian ngắn, bị cáo Tân huy động được hàng tỷ đồng với cam kết trả lãi hấp dẫn.

Trong đó, Tân vay của anh N.H.N.T. (TP Vĩnh Long) 2 tỷ đồng, thỏa thuận lãi suất 15 %/tháng. Theo anh T., sở dĩ có sự hợp tác này bởi trước đó đã nhiều lần cho Tân vay số tiền lớn nhưng chưa lần nào mất quyền lợi. Còn Tân thì giở trò gian dối bằng cách ghi khống tên khách hàng, số CMND, số tiền vay vào thông báo đồng ý cấp tín dụng của ngân hàng, còn mặt sau là phần duyệt cấp tín dụng thật của ngân hàng.

Sau khi nhận được thông báo này Tân chụp lại gửi qua Zalo, các bị hại tin tưởng có người cần tiền đáo hạn ngân hàng nên đồng ý cho vay. Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Ân và Tân đã phải chịu mức án lần lượt là 12 năm tù và 17 năm tù. Đây cũng là bài học để người dân cân nhắc kỹ lưỡng trong các giao dịch dân sự.

Theo ngành chức năng, hiện nay phương thức phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn vay đáo hạn ngân hàng rất tinh vi. Ngoài thủ đoạn trên, một số đối tượng còn đưa bị hại đến trước cửa các ngân hàng để tiến hành giao dịch.

Trong trường hợp này, chúng chọn thời điểm là lúc cuối buổi chiều khi ngân hàng đã hết giờ giao dịch. Khi đó, đối tượng lấy lý do này để không cho các bị hại gặp gỡ các cán bộ tín dụng, hành vì lừa đảo vì thế cũng không bị phát hiện sớm.

Vì vậy, hãy cảnh giác với những hứa hẹn “lãi suất cao và thu lợi trong thời gian ngắn”. Nếu có tiền nhàn rỗi thì nên đầu tư vào các tổ chức tín dụng hợp pháp, trường hợp cho vay mượn, phải xem người vay có khả năng trả nợ hay không hoặc chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh