Hòa giải cơ sở, gỡ nút thắt mâu thuẫn

12:10, 03/10/2023

Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận hơn 15.300 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành chiếm trên 91%.

 

 

Cán bộ ấp An Phú A (xã Long An, huyện Long Hồ) nắm tình hình, ý kiến Nhân dân để tham gia hòa giải mâu thuẫn.
Cán bộ ấp An Phú A (xã Long An, huyện Long Hồ) nắm tình hình, ý kiến Nhân dân để tham gia hòa giải mâu thuẫn.

Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận hơn 15.300 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành chiếm trên 91%.

Từ đó, khẳng định công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết, hàn gắn nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự.

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Trong cuộc sống hàng ngày, những xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân vẫn thường xảy ra. Nếu không giải quyết một cách triệt để, kịp thời và “thấu tình, đạt lý” thì mâu thuẫn có thể trở thành những vụ việc phức tạp, tạo thành điểm nóng; dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp về dân sự, thậm chí phát sinh thành những vụ án hình sự nghiêm trọng…

Với sự vào cuộc tích cực của các tổ hòa giải, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh ở cơ sở đã được giải quyết “êm xuôi”, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo UBND tỉnh, sự ra đời của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trong kỳ, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 15.335 vụ việc hòa giải và đã đưa ra giải quyết 15.335 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%; hòa giải thành 13.987 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,21%. Các tranh chấp yêu cầu hòa giải thường là tranh chấp dân sự có giá trị nhỏ, lối đi, ranh đất và các giao dịch dân sự có giá trị nhỏ… Sau hòa giải thành, đại đa số các vụ việc đều được các bên chấp hành và thực hiện nội dung hòa giải thành, chiếm tỷ lệ 92,75%.

Trong suốt những năm qua, cô Huỳnh Ngọc Mai- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp An Phú A (xã Long An, huyện Long Hồ) đã gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở với hình ảnh người hòa giải “tận tâm, hiểu việc”; tạo được uy tín trong cộng đồng. Theo cô Mai, cán bộ hòa giải phải thường xuyên nắm bắt thông tin dư luận tại địa phương, biết lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Trong quá trình hòa giải, người làm công tác hòa giải phải tìm hiểu “thật- hư”, nguyện vọng của các bên liên quan; tham mưu chỉ đạo của cấp trên và người phụ trách lĩnh vực chuyên môn để tìm ra giải pháp chính xác, phù hợp “cả tình cả lý”; mở rộng phạm vi vận động, tuyên truyền đến người thân của các bên để cùng phối hợp giải thích, thuyết phục…

“Khi gặp khó khăn, tôi sẽ cùng bàn bạc cách giải quyết với đồng nghiệp trong ban hòa giải. Nếu vấn đề liên quan đến đất đai thì tôi hỏi trực tiếp cán bộ địa chính, nghiên cứu các điều luật liên quan để tăng tính thuyết phục trong quá trình hòa giải. Kiểu gì cũng phải tìm ra giải pháp chứ nhất định không bỏ cuộc, không phụ sự tín nhiệm của đồng nghiệp và bà con”- cô Mai tâm huyết nói.

Với bà N.T.H., mối quan hệ gần gũi với cô Mai như hiện tại được bắt đầu từ những ngày bà H. hoang mang, rầu rĩ khi rơi vào cảnh bị “giựt hụi”. “Lúc bị giựt hụi tui hổng biết tính sao. Rồi nghe bà con nói cô Mai hòa giải hay, nói được làm được. Vậy là tui quyết tâm tìm cô Mai”- bà N.T.H. chia sẻ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh, các hòa giải viên đều chú trọng đổi mới phương pháp, cách thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; giúp làng xóm thuận hòa, đoàn kết, tình hình an ninh trật tự ổn định.

Theo UBND huyện Tam Bình, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng để đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống Nhân dân; nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.

Cụ thể, huyện đã tổ chức 4.831 hội nghị triển khai những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở, có hơn 184.000 lượt người dự, trên phương tiện truyền thanh 4.155 giờ trong 10 năm qua. Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên với hơn 1.200 lượt người tham dự.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tạo mọi điều kiện cho cán bộ và Nhân dân nắm vững pháp luật. Đồng thời, củng cố lực lượng làm công tác hòa giải từ xã đến ấp; vận động những người có uy tín, có tâm huyết, cán bộ hưu trí tham gia vào tổ hòa giải, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở không để đơn vượt cấp, xảy ra điểm nóng…

Ông Huỳnh Minh Tráng- Trưởng Phòng Tư pháp TP Vĩnh Long, thông tin, hiện nay thành phố có 58 tổ hòa giải với 351 thành viên. Trong năm 2022, đã hòa giải thành 41/41 vụ (đạt tỷ lệ 100%).

Các tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở đều được tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hòa giải, những văn bản thiết thực đến đời sống Nhân dân. Từng hòa giải viên nâng cao nhận thức, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

UBND huyện Tam Bình khen thưởng các mô hình hòa giải ở cơ sở tiêu biểu.
UBND huyện Tam Bình khen thưởng các mô hình hòa giải ở cơ sở tiêu biểu.

Mặt khác, thông qua việc hòa giải ở cơ sở góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “tối lửa tắt đèn có nhau”… để hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm anh em trong gia đình, thân tộc, tình nghĩa vợ chồng, hạn chế những tranh chấp phát sinh. Qua đó, từng bước xây dựng thói quen, tạo ý thức cho mọi công dân “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, là bộ phận không thể thiếu được của công tác vận động quần chúng; tham gia góp phần ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Do đó, tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở là một yêu cầu tất yếu, nhằm giữ vững sự ổn định và phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững của các địa phương.

Theo Sở Tư pháp tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 752 tổ hòa giải hoạt động với 5.615 hòa giải viên. Mỗi tổ có từ 5-7 hòa giải viên là trưởng ấp/khóm; đại diện ban công tác mặt trận và đại diện các đoàn thể là thành viên của mặt trận.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh