Hệ lụy từ "hợp đồng giả cách"

07:10, 17/10/2023

"Hợp đồng giả cách" là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp, quyền lợi đôi bên không đảm bảo và phải nhờ đến pháp luật giải quyết.

“Hợp đồng giả cách” là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp, quyền lợi đôi bên không đảm bảo và phải nhờ đến pháp luật giải quyết.

Theo các chuyên gia pháp lý, “hợp đồng giả cách” được xem là một biến tướng của hợp đồng mua bán tài sản, vì trong đó cũng chứa đựng việc chuyển quyền sở hữu tài sản và trả tiền cho bên bán như trong hợp đồng mua bán tài sản.

Theo Điều 430 Bộ luật Dân sự, hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Tuy nhiên, trong “hợp đồng giả cách”, nội dung và mục đích của giao dịch không được thể hiện theo hình thức của hợp đồng mà lại bị cố tình che giấu bởi một giao dịch khác.

Thời gian qua, ngành tòa án tỉnh Vĩnh Long đã giải quyết nhiều vụ “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự bị vô hiệu, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và hợp đồng vay tài sản” xảy ra do các đương sự làm “hợp đồng giả cách”. Ông N.V.M. (ngụ huyện Bình Tân) là nguyên đơn khởi kiện yêu cầu vô hiệu giấy thỏa thuận vay tiền, thế chấp quyền sử dụng đất giữa ông và bà N.T.T.H. (ngụ TP Cần Thơ).

Theo ông M., ông có vay của bà H. 120 triệu đồng, thời hạn 5 năm, lãi suất 2 %/tháng. Để vay được số tiền này, ông M. giao cho bà H. bản chính chứng nhận quyền sử dụng đất để “làm tin” cho việc trả nợ. Đồng thời, bà H. còn yêu cầu nguyên đơn làm văn bản ủy quyền để bà quản lý thửa đất này (hình thức giả cách).

Chỉ 2 ngày sau đó, ông M. nhiều lần liên hệ bà H. trả nợ trước hạn nhưng không được chấp nhận. Cũng trong thời gian này, nguyên đơn phát hiện bà H. tự ý chuyển nhượng thửa đất cho người khác (bà N.).

Do vậy, văn phòng công chứng đã thông báo hủy bỏ hợp đồng ủy quyền giữa ông M. và bà H., hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà H. và bà N.. Vụ tranh chấp kéo dài, cuối cùng yêu cầu vô hiệu giấy thỏa thuận vay tiền, thế chấp quyền sử dụng đất giữa ông M. và bà H. cũng được tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận. Đối với phần lãi của khoản tiền vay, bà H. tiếp tục kháng cáo và được giải quyết thỏa đáng tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long.

Tương tự là vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là ông T.V.Th. (ngụ huyện Bình Tân) và bị đơn là ông T.N.T. (ngụ tỉnh Đồng Tháp). Ông T. cho ông Th, vay 50 triệu đồng, lãi suất 600.000 đ/tháng, kèm theo điều kiện “làm tin” cho việc trả nợ là ông Th. ký hợp đồng ủy quyền và giao cho ông T. một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tranh chấp xảy ra khi ông Th. phát hiện tài sản của mình đã bị “sang tay” cho nhiều người nên làm đơn khởi kiện ra tòa. Thực tế, hợp đồng ủy quyền giữa ông Th. và ông T. là nhằm bảo đảm việc trả nợ và ông T. cũng chưa có ý kiến phản đối điều này.

Từ trình bày của các đương sự và căn cứ pháp lý, HĐXX cho rằng, hợp đồng là giả tạo nhằm che giấu cho hợp đồng vay nên bị vô hiệu theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự nên tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền giữa ông Th. và ông T., vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các đương sự.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, hợp đồng được xác lập về mặt hình thức nhưng không phải là ý chí của các bên và các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã ký kết, chỉ để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nào đó của một hợp đồng khác, che giấu bởi một giao dịch khác thì đây là “hợp đồng giả cách”.

Hậu quả pháp lý của hợp đồng giả cách là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận. Đây cũng là bài học điển hình trong các giao dịch dân sự nên tránh để không xảy ra tranh chấp, thưa kiện kéo dài, làm mất quyền lợi đôi bên.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh