Để không rơi vào cạm bẫy khi chơi hụi

11:10, 26/10/2023

Pháp luật đã có những quy định cụ thể về hụi nhưng hình thức này cũng mang đến nhiều rủi ro nếu người tham gia không tìm hiểu kỹ, không đề cao cảnh giác thì rất dễ rơi vào cạm bẫy của những người làm ăn bất chính. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp dân sự hoặc đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự xuất phát từ việc chơi hụi.

Pháp luật đã có những quy định cụ thể về hụi nhưng hình thức này cũng mang đến nhiều rủi ro nếu người tham gia không tìm hiểu kỹ, không đề cao cảnh giác thì rất dễ rơi vào cạm bẫy của những người làm ăn bất chính. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp dân sự hoặc đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự xuất phát từ việc chơi hụi.

Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), hụi là một hoạt động theo tập quán của người dân, nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau, dựa trên những ràng buộc về niềm tin, lợi ích và quy định pháp luật.

Hoạt động này phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự, hành chính và hình sự để phòng ngừa các vi phạm, biến tướng của hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi. Cũng vì dựa trên tập quán, niềm tin và các mối quan hệ nên người tham gia thường không đề cao cảnh giác.

Mặt khác, không giống như các loại hình cho vay, tiết kiệm khác, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo, dù pháp luật đã quy định việc tham gia hụi phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay. Khi xảy ra các vụ vỡ hụi hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì rất khó được bồi thường đầy đủ.

Thống kê từ năm 2022 đến hết tháng 8/2023, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long ghi nhận gần 1.000 trường hợp là bị hại trong các vụ vỡ hụi với số tiền trên 20 tỷ đồng. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Vĩnh Long mà rất nhiều nơi trên cả nước, bởi theo Cục Cảnh sát hình sự, đây là hoạt động mang tính tự phát, thường ít công khai.

Trong khi số lượng người tham gia đông nhưng lại ít biết về hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của nhau và mục đích thật sự của chủ hụi là gì. Về phía chủ hụi thì không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia, thậm chí gian dối, phớt lờ các quyền lợi của hụi viên, không báo cáo với UBND cấp xã theo quy định.

Điển hình là trường hợp của bị cáo Võ Thị Huyền Trang (SN 1988, ngụ xã Quới An, huyện Vũng Liêm) phải trả giá bằng mức án 16 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức hụi.

Trang âm thầm giở trò gian dối trong thời gian dài, còn hàng chục hụi viên ở huyện Vũng Liêm, Mang Thít, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) vì tin tưởng mà không ngờ số tiền góp hụi đã bị đầu thảo “phỗng tay trên”. Ngày ra tòa đền tội, bị cáo thừa nhận đã tổ chức 29 dây hụi, gồm hụi tuần, hụi nửa tháng và hụi tháng từ 300.000đ đến 5 triệu đồng.

Mặc dù được hưởng “hoa hồng” khá nhiều ở mỗi dây hụi nhưng vì lòng tham, bị cáo tự ý lấy tên của hụi viên để kêu hốt hụi, thêm tên hụi viên không có thật vào các dây hụi và gom tiền nhưng không giao cho hụi viên hoặc chỉ giao một phần, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng. Ngoài trách nhiệm hình sự, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long còn buộc bị cáo phải khắc phục số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp vốn, quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Đồng thời, Chính phủ đã có quy định cụ thể về hụi thông qua Nghị định số 19, nhằm giúp người tham gia nắm rõ điều kiện của chủ hụi, hụi viên, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các bên. Đặc biệt là quy định về tiền lãi không được vượt quá 20 %/năm (tức khoảng 1,6 %/tháng).

Để tránh các rắc rối pháp lý khi tham gia hụi, Cục Cảnh sát hình sự lưu ý hụi viên nên tìm hiểu kỹ nhân thân của chủ hụi trước khi đặt niềm tin vào họ để góp vốn. Tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây hụi định tham gia và có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp.

Tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ hụi, hụi viên để đánh giá mức độ rủi ro và phòng trường hợp giải quyết tranh chấp về sau. Hụi viên cũng nên lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi, nếu chủ hụi điều hành từ 2 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì phải báo UBND xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi.

Một số dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động hụi được Cục Cảnh sát hình sự thống kê, khuyến cáo người dân cảnh giác. Đó là, chủ hụi có thể lợi dụng uy tín, mối quan hệ hoặc sẽ trả lãi cao để thu hút nhiều người tham gia, thậm chí vượt quy định về trả lãi của Bộ luật Dân sự. Chủ hụi thường không thực hiện thỏa thuận bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận bằng miệng, cũng như gian dối trong việc cung cấp thông tin về dây hụi và không thực hiện báo cáo, quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật. Một số trường hợp chủ hụi có ý định lừa đảo thì có thể trả lãi rất cao, lôi kéo người thân tham gia, khi thu được số tiền góp hụi đủ lớn sẽ chiếm đoạt và bỏ trốn.

TRUNG HƯNG

'

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh