Khi làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) bị mất, anh N.T.N. (ở TX Bình Minh) bị hàng xóm ngăn cản và tranh chấp nên đã gửi đơn khởi kiện nhờ tòa phân xử.
Khi làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) bị mất, anh N.T.N. (ở TX Bình Minh) bị hàng xóm ngăn cản và tranh chấp nên đã gửi đơn khởi kiện nhờ tòa phân xử.
Trong đơn kiện, anh N.T.N. trình bày: Anh là chủ sử dụng hợp pháp 2 thửa đất 1443 và 351 nhưng do thường xuyên đi làm ăn xa nên giấy chứng nhận QSDĐ để ở nhà. Khi phát hiện có người xây nhà trên thửa đất 351 của mình, anh N. tìm QSDĐ để làm đơn ngăn chặn nhưng không thấy. Sau nhiều lần tìm kiếm không có kết quả, anh N. thực hiện thủ tục xin cấp lại QSDĐ thì gia đình hàng xóm là ông L.S. ngăn cản.
Sau đó, anh N. phát hiện ông S. đang giữ QSDĐ thửa 1443 và 351 của mình. Do đất là tài sản hợp pháp của anh và anh cũng không có giao dịch gì với ông S. nên yêu cầu tòa buộc ông S. và những người có liên quan đang ở trên thửa 351 tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà ở, công trình phụ và cây trồng để giao trả đất cho anh.
Tại đơn phản tố ngày 21/3/2022, ông S. cho rằng 2 thửa đất trên là do cha anh N. chuyển nhượng cho ông vào năm 1998 với giá 28 chỉ vàng 24K. Việc chuyển nhượng có làm giấy tay và cha anh N. đã giao đất cho ông S. quản lý, canh tác. Sau khi cha anh N. qua đời thì anh N. hưởng thừa kế và đứng tên 2 thửa đất trên.
Đến ngày 19/4/2007, anh N. có viết tờ sang đất vĩnh viễn cho ông S. với giá 30 chỉ vàng 24K nên ông S. đưa thêm 2 chỉ vàng 24K. Sau đó, anh N. đã bàn giao QSDĐ thửa 1443 và 351 cho ông S. quản lý. Quá trình sử dụng đất, ông S. nhiều lần yêu cầu anh N. làm thủ tục sang tên nhưng anh N. không thực hiện.
Thời gian gần đây, ông S. phát hiện anh N. xin cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ thửa 1443 và 351 với lý do bị mất nên đã ngăn cản. Thực chất, anh N. đã chuyển nhượng và bàn giao QSDĐ cho ông nên ông không đồng ý trả lại mà yêu cầu tòa công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông với cha anh N. và tờ sang đất vĩnh viễn giữa ông với anh N. đã ký trước đó.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy: Anh N. không thừa nhận có ký tên vào tờ sang nhượng đất vĩnh viễn ngày 19/4/2007 nhưng tại kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long, chữ ký trên tờ sang nhượng này là của anh N. nên có căn cứ xác định anh N. đã ký tên và sang nhượng QSDĐ cho ông S..
Theo đó, ngày 20/1/1998, cha anh N. làm giấy tay chuyển nhượng cho ông S. các phần đất trên với giá 28 chỉ vàng 24K. Đến ngày 19/4/2007, anh N. lại làm tờ sang đất vĩnh viễn cho ông S. với giá 30 chỉ vàng 24K bao gồm 28 chỉ vàng 24K cha anh N. đã nhận và 2 chỉ vàng 24K ông S. đưa sau.
Tuy nhiên, các hợp đồng này đều không tuân thủ về hình thức, chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc chứng nhận, chưa tiến hành đóng trước bạ sang tên, nội dung hợp đồng không rõ ràng, không ghi số thửa đất, trong đó hợp đồng giữa anh N. và ông S. không ghi diện tích đất cụ thể, không có thửa đất, vị trí đất là trái quy định pháp luật nên cần vô hiệu. Theo đó, các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận và bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Do đó, HĐXX đã tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 20/1/1998 và vô hiệu tờ sang nhượng đất vĩnh viễn ngày 19/4/2007; buộc ông S. trả lại đất và 2 bản chính QSDĐ thửa 1443 và 351 cho anh N.. Do trên thửa 351 có căn nhà kiên cố và công trình phụ của ông S., khi xây dựng không có ai tranh chấp nên HĐXX tuyên tiếp tục cho ông S. được quyền sử dụng phần đất gắn với căn nhà cấp 4 và công trình phụ nên anh N. chỉ hoàn trả cho ông S. 24,25 chỉ vàng 24K cùng giá trị cây trồng hơn 54,5 triệu đồng.
Về bồi thường thiệt hại, do ông S. và anh N. đều có lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu nên đôi bên phải chịu một nửa thiệt hại. Thiệt hại được xác định là giá trị phần đất và cây lâu năm tại thời điểm xét xử theo giá thị trường hơn 3,1 tỷ đồng. Ông S. chịu 1/2 thiệt hại nên anh N. phải bồi thường cho ông S. phần còn lại hơn 1 tỷ 594 triệu đồng.
DIỄM PHƯỢNG