Bị chủ nợ kiện, bên vay cho rằng chỉ chứng kiến và vay dùm người khác nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên phải trả số tiền đã nhận.
(VLO) Bị chủ nợ kiện, bên vay cho rằng chỉ chứng kiến và vay dùm người khác nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên phải trả số tiền đã nhận.
Ông L.V.H. và vợ chồng bà N.T.Đ. (ở TX Bình Minh) quen biết nhau từ trước nên khi vợ chồng bà Đ. thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) vay 200 triệu đồng, ông H. đã đồng ý.
Ngày 13/11/2018, hai bên cùng đến phòng công chứng lập hợp đồng thế chấp với lãi suất thỏa thuận, thời hạn vay 3 tháng. Tuy nhiên, sau khi vay, vợ chồng bà Đ. không đóng lãi cũng không trả vốn.
Sau đó, chồng bà Đ. qua đời, ông H. nhiều lần yêu cầu bà Đ. trả nợ nhưng bà Đ. cứ hẹn nên ông gửi đơn kiện đòi tiền vốn và lãi, tổng cộng hơn 309 triệu đồng.
Tại bản khai ngày 6/1/2022, bà Đ. thừa nhận có ký giấy vay tiền của ông H. nhưng chỉ vay dùm con trai và con dâu.
Cụ thể, năm 2018, khi thấy vợ chồng con trai gặp khó khăn, bà Đ. và chồng thỏa thuận thế chấp QSDĐ cho ông H. để vay 200 triệu đồng. Sau khi ký nhận tiền, bà Đ. đã giao hết cho vợ chồng con trai nên không đồng ý trả tiền gốc và lãi theo yêu cầu của ông H. mà đề nghị vợ chồng con trai phải có trách nhiệm trả số tiền này.
Quá trình giải quyết vụ kiện, bà Đ. và những người con còn lại đều xác nhận bà Đ. thế chấp QSDĐ cho ông H. là để vay tiền dùm vợ chồng con trai nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình.
Người có quyền và nghĩa vụ liên quan là vợ chồng con trai bà Đ. được tòa tống đạt hợp lệ lần thứ 2 nhưng vẫn vắng mặt nên không có cơ sở chấp nhận việc bà Đ. yêu cầu vợ chồng con trai phải trả ông H. số tiền trên mà dành cho bà Đ. một vụ kiện khác đối với con trai và con dâu khi có yêu cầu.
Do ông H. không thừa nhận vợ chồng bà Đ. vay tiền dùm con trai và cung cấp hợp đồng thế chấp QSDĐ lập ngày 13/11/2018 để chứng minh vợ chồng bà Đ. là người ký giấy vay tiền nên phải có nghĩa vụ trả nợ. Xét yêu cầu của ông H. là có cơ sở chấp nhận nên HĐXX đã buộc bà Đ. phải trả ông H. tiền vốn vay và lãi, tổng cộng hơn 309 triệu đồng.
Tương tự, ông T.Q.H. (ở TP Hồ Chí Minh) kiện vợ chồng em vợ là anh H.T.L. và chị T.T.G. (ở TX Bình Minh) cũng xuất phát từ việc bên vay không chịu trả với lý do “chỉ là người chứng kiến”.
Cụ thể, trong đơn khởi kiện gửi TAND TX Bình Minh, ông H. trình bày: Ngày 18/4/2020, ông có cho vợ chồng anh L. mượn 170 triệu đồng, mỗi tháng vợ chồng anh L. trả góp 10 triệu đồng cho đến khi hết nợ, không tính lãi suất.
Để tạo niềm tin, vợ chồng anh L. đưa cho ông H. 2 giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, vợ chồng anh L. chỉ trả góp được 3 tháng thì ngưng, đến nay còn nợ 140 triệu đồng không trả nên ông H. gửi đơn khởi kiện ra tòa.
Tại bản khai ngày 7/3/2023, anh L. trình bày, số nợ trên là do em của chị G. đến nhà ông H. ở TP Hồ Chí Minh vay, anh có đi theo nhưng chỉ là người chứng kiến. Chị G. cũng cho rằng không có mượn tiền của ông H., việc anh L. và em chị có vay tiền của ông H. không thì chị không biết nên không đồng ý liên đới cùng anh L. trả số tiền trên.
Ông H. cho rằng từ trước đến nay không biết em trai của chị G., việc cho mượn tiền chỉ có vợ chồng anh L. ký nhận. Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, ông H. đã cung cấp chứng cứ là hợp đồng mượn tiền và 2 giấy chứng nhận QSDĐ nhận thế chấp do anh L. và chị G. đứng tên.
Xét hợp đồng mượn tiền có chữ ký của các bên và ông H. đang giữ 2 giấy chứng nhận QSDĐ của vợ chồng anh L., dù các bên không công chứng hợp đồng vay tiền và hợp đồng thế chấp QSDĐ nhưng quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng anh L. không đưa ra được chứng cứ chứng minh em trai chị G. là người trực tiếp vay tiền, cũng không có ý kiến phản tố hay yêu cầu giám định chữ ký của anh L. trong hợp đồng mượn tiền nên đây là chứng cứ xác thực việc vợ chồng anh L. có nhận số tiền 170 triệu đồng của ông H. và thế chấp 2 QSDĐ.
Quá trình giải quyết vụ kiện, tòa đã triệu tập hợp lệ vợ chồng anh L. và em trai chị G. nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng, xem như các đương sự đã khướt từ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Do đó, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng anh L. có trách nhiệm trả ông H. số tiền còn nợ 140 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ, vợ chồng anh L. sẽ được ông H. trả lại QSDĐ.
DIỄM PHƯỢNG