Hậu quả pháp lý khi thế chấp vay tiền từ tài sản chung

05:09, 06/09/2023

Mặc dù quyền sử dụng đất (QSDĐ) chỉ có người vợ đứng tên nhưng vì đây là tài sản chung được vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên khi người vợ âm thầm mang đi thế chấp để vay tiền đã dẫn đến những rắc rối về mặt pháp lý, bị tòa tuyên vô hiệu.

(VLO) Mặc dù quyền sử dụng đất (QSDĐ) chỉ có người vợ đứng tên nhưng vì đây là tài sản chung được vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên khi người vợ âm thầm mang đi thế chấp để vay tiền đã dẫn đến những rắc rối về mặt pháp lý, bị tòa tuyên vô hiệu.

Bà N.T.P. (ở TX Bình Minh) là người đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ thửa 147, diện tích 258,9m2 (gồm 50m2 đất ở và 208,9m2 đất trồng cây lâu năm). Đây là tài sản chung được vợ chồng bà P. tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nhưng bà P. đã mang đi thế chấp để vay tiền mà không có sự đồng ý của chồng bà.

Cụ thể, ngày 1/6/2021, bà P. có vay của ông V.V.K. (ở TP Cần Thơ) 120 triệu đồng, lãi suất là 2 %/tháng. Khi ông K. yêu cầu thế chấp tài sản để đảm bảo việc vay nợ thì bà P. ký giấy ủy quyền giao cho ông K. QSDĐ thửa 147, có lập thành văn bản và công chứng. Chồng bà P. hoàn toàn không biết việc này cho đến khi có người đến xem nhà và đất.

Theo đó, sau khi được bà P. ủy quyền giao QSDĐ thửa 147, ông K. đã làm thủ tục sang tên và nhờ người làm công đứng tên dùm. Sau đó, ông K. thế chấp QSDĐ thửa 147 cho bà N.T.X.T. vay 500 triệu đồng nhưng không lập hợp đồng vay mà ký hợp đồng chuyển nhượng.

Do sau khi vay tiền, ông K. không trả tiền lãi và vốn nên bà T. đến vị trí thửa đất tìm hiểu thì phát hiện QSDĐ thửa 147 và căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất là tài sản chung của vợ chồng bà P..

Do đó, bà T. khởi kiện yêu cầu tòa vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 147 và buộc ông K. có trách nhiệm trả lại số nợ 500 triệu đồng.

Khi phát hiện sự việc trên, ngày 10/3/2022, bà P. cũng có đơn yêu cầu tòa vô hiệu hợp đồng ủy quyền QSDĐ thửa 147 giữa bà với ông K. lập ngày 1/6/2021 và yêu cầu ông K. trả lại QSDĐ, bà đồng ý trả lại số nợ 120 triệu đồng cùng tiền lãi theo quy định.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định: Bà P. và ông K. đều thừa nhận ngày 1/6/2021, đôi bên lập hợp đồng ủy quyền thửa đất 147 là để đảm bảo cho số nợ vay 120 triệu đồng.

Sau đó, ông K. lấy giấy chứng nhận QSDĐ của bà P. sang tên cho người làm công rồi lấy tài sản này chuyển nhượng cho bà T. với giá 500 triệu đồng nên đây là giao dịch dân sự do giả tạo.

Do đó, HĐXX đã tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền thửa đất 147 ngày 1/6/2021 giữa bà P. và ông K.; buộc bà P. trả cho ông K. 120 triệu đồng tiền vốn và tiền lãi, tổng cộng hơn 146,8 triệu đồng.

Do hợp đồng ủy quyền thửa đất 147 giữa bà P. và ông K. bị vô hiệu kéo theo hậu quả pháp lý là việc ông K. chỉnh lý cho người làm công đứng tên QSDĐ thửa 147 không được công nhận nên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 147 giữa người làm công của ông K. với bà T. cũng bị vô hiệu, ông K. bị buộc có trách nhiệm trả lại bà T. 500 triệu đồng tiền vốn và lãi, tổng cộng 583,3 triệu đồng.

Nếu bà P. và ông K. không thực hiện việc trả tiền sẽ tiếp tục bị tính lãi theo quy định cho đến khi trả xong nợ.

Vậy là cuối cùng, bà P. cũng được pháp luật công nhận quyền sử dụng đối với tài sản đang sở hữu và được quyền đăng ký làm thủ tục sang tên đối với thửa đất 147 tranh chấp bấy lâu.

Tuy nhiên, bài học mà bà P. nhắc mình phải nhớ sau vụ việc trên là dù chồng bà không cùng đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đó là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nên khi thực hiện việc sang nhượng, thế chấp phải có sự đồng thuận của cả vợ và chồng nhằm tránh những rắc rối tương tự về mặt pháp lý về sau.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh