Di chúc vô hiệu vì không đúng luật

10:09, 14/09/2023

Mặc dù nội dung di chúc thể hiện dì trao quyền thừa kế nhà, đất cho cháu nhưng người lập di chúc không tự tay viết và ký tên, cũng không có người làm chứng nên bị tòa tuyên vô hiệu.

Mặc dù nội dung di chúc thể hiện dì trao quyền thừa kế nhà, đất cho cháu nhưng người lập di chúc không tự tay viết và ký tên, cũng không có người làm chứng nên bị tòa tuyên vô hiệu.

Vợ chồng bà L.T.S. (ở TP Vĩnh Long) không có con chung cũng như con riêng nên khi vợ chồng bà S. lần lượt qua đời, em gái duy nhất của bà S. là bà L.T.T. thuộc hàng thừa kế thứ hai đã hưởng toàn bộ di sản gồm nhà và đất mà bà S. để lại. Sau khi kê khai thừa kế di sản, bà T. được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) thửa 97 và sở hữu căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất. Ngày 11/8/2020, khi bà T. lập hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất nói trên cho chị N.T.K.N. với giá 1 tỷ đồng thì bị cháu là chị P.T.P. gửi đơn kiện.

Chị P. cho rằng, do nhà bị giải tỏa nên năm 2010, gia đình chị dời về sống chung với dì là bà S. theo dạng ở nhờ. Bà S. là chủ sở hữu căn nhà trên thửa đất 97, ngoài vợ chồng bà S. thì bà T. và con trai cũng sinh sống trong căn nhà này. Do lúc bà S. còn sống, chị P. đối xử tốt nên được bà S. thương và lập di chúc trao quyền thừa kế nhà, đất thửa 97 vào ngày 14/3/2005, có xác nhận của UBND phường. Tuy nhiên, sau khi bà S. chết thì bà T. kê khai thừa kế rồi chuyển nhượng nhà, đất cho chị N.. Do đó, chị yêu cầu tòa vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất ngày 11/8/2020 giữa bà T. và chị N.; đồng thời công nhận cho chị được hưởng di sản thừa kế theo di chúc bà S. để lại.

Quá trình giải quyết vụ kiện, chị N. trình bày: Khi mua nhà và đất của bà T. thì tài sản đang thế chấp tại ngân hàng, người đứng tên là bà T. nên việc chuyển nhượng giữa chị và bà T. là hợp pháp. Sau khi chuyển nhượng, đôi bên có thỏa thuận là bà T. cùng con trai thuê lại nhà, đất trên với giá 1 triệu đồng/tháng trong thời hạn 3 năm nên chị không đồng ý vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng ngày 11/8/2020.

Bà T. cũng cho rằng: Việc kê khai nhận di sản thừa kế thửa đất 97 và căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất từ chị ruột của bà là đúng quy định, có đầy đủ giấy tờ và công chứng hợp pháp. Khi kê khai thừa kế không có ai tranh chấp và bà đã được cấp QSDĐ, về mặt pháp lý bà là chủ sở hữu hợp pháp nên có quyền chuyển nhượng cho chị N. và thỏa thuận thuê lại căn nhà này trong 3 năm nên không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của chị P..

Theo HĐXX, nguồn gốc phần đất tranh chấp do hộ bà S. đứng tên. Do vợ chồng bà S. không có con nên khi bà S. chết, không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hưởng di sản. Bà T. là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ hai kê khai hưởng thừa kế di sản của bà S. và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà theo quy định về thừa kế. Ngày 11/8/2020, bà T. lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất cho chị N. được phòng công chứng chứng nhận. Sau đó, chị N. đã kê khai đăng ký và được chỉnh lý đứng tên trang 3 giấy chứng nhận QSDĐ nên hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 97 và căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất giữa bà T. với chị N. có hiệu lực pháp luật.

Việc chị P. cho rằng bà S. lập di chúc ngày 14/3/2005, có UBND phường chứng thực trao quyền thừa kế cho chị hưởng nhà và đất thửa số 97 là không có căn cứ. Vì theo quy định, di chúc được lập thành văn bản, không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Thực tế, di chúc chị P. cung cấp đã vi phạm về mặt hình thức do người lập không tự viết, không ký tên vào từng trang của tờ di chúc, cũng không có người làm chứng. Tại công văn ngày 8/4/2022, UBND phường nói trên đã trả lời không có xác nhận nội dung di chúc, cũng không có hồ sơ lưu tại UBND phường. Thời điểm lập di chúc trao quyền thừa kế nhà và đất cho chị P. thì bà S. đã 68 tuổi nhưng không có hồ sơ khám sức khỏe về trạng thái tinh thần và thể hiện bà S. có biết viết, biết đọc chữ không.

Mặt khác, theo chị P. trình bày thì năm 2010, nhà của chị bị giải tỏa mới đến ở nhờ nhà bà S.. Việc bà S. cho gia đình chị P. ở nhờ được thể hiện tại văn bản thỏa thuận ngày 1/4/2010, có xác nhận của UBND phường. Trong khi di chúc lập ngày 14/3/2005, có trước khi gia đình chị P. đến ở nhờ hơn 5 năm. Từ đó, cho thấy lời trình bày của chị P. có mâu thuẫn, không rõ ràng nên di chúc lập ngày 14/3/2005 chưa phù hợp với quy định pháp luật về thừa kế.

Do đó, HĐXX đã tuyên vô hiệu tờ di chúc trao quyền thừa kế nhà, đất cho chị P. lập ngày 14/3/2005; công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 97 và tài sản gắn liền với đất ngày 11/8/2020 giữa bà T. với chị N. có hiệu lực pháp luật. Phán quyết này đồng nghĩa với việc chị P. không phải người hưởng di sản thừa kế hợp pháp của bà S. nên toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị P. không được chấp nhận.

DIỄM PHƯỢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh