Ban đầu làm ăn uy tín nhưng khi cần tiền tiêu xài, chủ hụi lại tự ý lấy tên hụi viên để kêu hốt hụi và lập các dây "hụi khống", chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Bị cáo Võ Thị Huyền Trang. |
Ban đầu làm ăn uy tín nhưng khi cần tiền tiêu xài, chủ hụi lại tự ý lấy tên hụi viên để kêu hốt hụi và lập các dây “hụi khống”, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử trong 3 ngày (13-15/9) đối với bị cáo Võ Thị Huyền Trang (SN 1988, ngụ xã Quới An, huyện Vũng Liêm).
Hành vi phạm tội của bị cáo Trang diễn ra trong thời gian dài, hụi viên tin tưởng nên không nghi ngờ cho đến khi phát hiện những hành vi bất chính của bị cáo nên làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Trang tổ chức nhiều dây hụi cho các hụi viên ở huyện Vũng Liêm, Mang Thít, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) tham gia. Ban đầu, Trang luôn thể hiện là người làm ăn uy tín, rõ ràng minh bạch, thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của “đầu thảo”. Bị cáo công khai danh sách hụi viên, các dây hụi cũng như quá trình thu, giao tiền.
Từ tháng 6/2018-4/2020, bị cáo tổ chức 29 dây hụi, gồm hụi tuần, hụi nửa tháng và hụi tháng từ 300.000đ đến 5 triệu đồng. Bị cáo làm “đầu thảo” được hưởng hoa hồng ở từng dây hụi, nhưng vì lòng tham phục vụ nhu cầu cá nhân, bị cáo lợi dụng lòng tin của hụi viên để chiếm đoạt số tiền lớn.
Theo đó, bị cáo tự ý lấy tên của hụi viên để kêu hốt hụi, thêm tên hụi viên không có thật vào các dây hụi và gom tiền nhưng không giao cho hụi viên hoặc chỉ giao một phần. Nhiều hụi viên tin tưởng, không kiểm tra, theo dõi việc điều hành của chủ hụi nên bị “phỗng tay trên”, tiền tích góp rơi vào túi kẻ gian.
Tháng 6/2022, Trang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Vĩnh Long) khởi tố vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh phục vụ công tác điều tra.
Cũng theo cáo trạng, cơ quan điều tra xác minh tài sản nhưng vợ chồng Trang không có chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở tỉnh Vĩnh Long, và Trang cũng không có tài sản nào giá trị ở địa phương.
Theo quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát, Trang tổ chức chơi hụi khi 2 vợ chồng có hôn nhân hợp pháp nên chồng Trang phải có trách nhiệm dân sự cùng vợ trả tiền hụi cho các hụi viên. Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và thừa nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo khai, số tiền chiếm đoạt được dùng vào việc trả các phần hụi tự ý hốt và các phần “hụi khống”, cho người thân, bạn bè vay mượn gần 900 triệu đồng, còn lại tiêu xài cá nhân, chi cho các sinh hoạt gia đình nhưng không nhớ rõ từng khoản vì sự việc đã kéo dài qua nhiều năm.
Hụi là giao dịch hợp pháp nhưng bị cáo đã lợi dụng sơ hở và lòng tin của các hụi viên nhằm phục vụ mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đa số hụi viên là lao động phổ thông, họ phải làm việc vất vả để tích góp một phần tiền đầu tư vào hụi với hy vọng sinh lời trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, bị cáo Trang phạm tội nhiều lần, chiếm đoạt số tiền lớn, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, gây hoang mang dư luận, làm quần chúng nhân dân không còn tin tưởng vào các giao dịch dân sự.
Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Trang đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự nên tuyên phạt bị cáo mức án 16 năm tù, buộc bị cáo phải khắc phục số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG