Bị đơn cho rằng 1 tỷ đồng đã nhận là tiền vay chứ không phải tiền cọc nhưng vì không cung cấp được chứng cứ chứng minh đó là giao dịch vay tài sản nên phải bồi thường số tiền tương đương là 1 tỷ đồng.
(VLO) Bị đơn cho rằng 1 tỷ đồng đã nhận là tiền vay chứ không phải tiền cọc nhưng vì không cung cấp được chứng cứ chứng minh đó là giao dịch vay tài sản nên phải bồi thường số tiền tương đương là 1 tỷ đồng.
Trong đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long, bà L.T.Q. trình bày: Ngày 4/1/2022, bà và ông P.V.N. xác lập hợp đồng đặt cọc bằng văn bản viết tay với nội dung ông N. chuyển nhượng cho bà quyền sử dụng đất (QSDĐ) và căn nhà gắn liền trên đất với giá 1,5 tỷ đồng.
Bà Q. đặt cọc 1 tỷ đồng, sau 90 ngày sẽ hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, bà Q. trả đủ cho ông N. số tiền còn lại.
Nếu hết thời hạn thỏa thuận mà ông N. không thực hiện việc chuyển nhượng thì phải bồi thường gấp đôi số tiền cọc đã nhận. Trường hợp bà Q. không nhận chuyển nhượng thì mất số tiền đặt cọc.
Sau khi lập hợp đồng đặt cọc, bà Q. đã giao cho ông N. 1 tỷ đồng, có biên nhận nhận tiền viết tay của ông N. và ông N. đã giao cho bà Q. giữ bản chính giấy chứng nhận QSDĐ.
Ngày 4/4/2022, khi thấy thời hạn thỏa thuận đã hết, bà Q. yêu cầu ông N. ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thì ông N. viện lý do về quê ở miền Bắc nên không ký hợp đồng được.
Do đó, bà Q. khởi kiện yêu cầu tòa tuyên vô hiệu hợp đồng đặt cọc ngày 4/1/2022 giữa bà với ông N., buộc ông N. trả lại 1 tỷ đồng tiền cọc đã nhận và bồi thường 1 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng, tổng cộng 2 tỷ đồng.
Ông N. không đồng ý với lý do: Lúc đó, ông cần tiền trả nợ ngân hàng nên vay của bà Q. 1 tỷ đồng, thời hạn vay 4 tháng nhưng đôi bên không làm hợp đồng vay mà thỏa thuận xác lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cùng căn nhà gắn trên đất của gia đình ông.
Ngày 4/1/2022, khi ra công chứng, vợ ông không thể đến ký hợp đồng chuyển nhượng nên hai bên xác lập hợp đồng đặt cọc viết tay với nội dung như bà Q. đã trình bày.
Do đó, ông chỉ đồng ý trả cho bà Q. số tiền vay 1 tỷ đồng, lãi suất 3 %/tháng, tính từ ngày 4/1/2022 đến ngày tòa xét xử, không đồng ý số tiền 1 tỷ đồng đã nhận là tiền cọc nên không bồi thường.
Theo HĐXX, hợp đồng đặt cọc và biên nhận nhận tiền cọc ngày 4/1/2022 được các bên trình bày thống nhất và tự nguyện xác lập, đúng chữ ký, chữ viết.
Những người làm chứng cũng thừa nhận có chứng kiến bà Q. và ông N. ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng nhà, đất chứ không biết việc thỏa thuận vay tài sản.
Ông N. cho rằng bản chất của giao dịch là hợp đồng vay 1 tỷ đồng nhưng lại viết biên nhận là nhận số tiền đặt cọc 1 tỷ đồng để chuyển nhượng nhà, đất.
Quá trình giải quyết vụ kiện, ông N. không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh hai bên xác lập hợp đồng vay tài sản nên lời trình bày trên của ông N. không đủ căn cứ chấp nhận.
Từ những nhận định trên, HĐXX xác định giao dịch giữa bà Q. với ông N. lập ngày 4/1/2022 là hợp đồng đặt cọc.
Bà Q. đã hoàn thành việc giao 1 tỷ đồng đặt cọc, hết thời hạn 90 ngày nhưng ông N. không thực hiện chuyển nhượng tài sản cho bà Q. như thỏa thuận là từ chối việc giao kết nên lỗi vi phạm hợp đồng đặt cọc thuộc về ông N..
Do đó, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Q., tuyên hủy hợp đồng đặt cọc viết tay ngày 4/1/2022 giữa bà Q. với ông N., buộc ông N. trả lại bà Q. 1 tỷ đồng tiền cọc đã nhận và bồi thường một khoản tiền tương đương là 1 tỷ đồng, tổng cộng ông N. phải trả cho bà Q. 2 tỷ đồng.
DIỄM PHƯỢNG