Đôi bên phát sinh tranh chấp sau khi vay tiền dẫn đến thưa kiện và người có đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình đã được tòa công nhận.
(VLO) Đôi bên phát sinh tranh chấp sau khi vay tiền dẫn đến thưa kiện và người có đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình đã được tòa công nhận.
Trong đơn gửi TAND TP Vĩnh Long, ông N.K.L. trình bày: Từ năm 2012-2015, vợ chồng ông có cho anh N.N.T. vay 5 lần tổng cộng 1 tỷ 130 triệu đồng và 14 lượng vàng SJC.
Sau khi vay, anh T. đóng lãi được vài tháng và trả góp vốn gốc được 335 triệu đồng thì ngưng. Từ tháng 7/2022 đến nay, anh T. không thực hiện tiếp nghĩa vụ trả nợ và tiền lãi như thỏa thuận nên ông L. gửi đơn khởi kiện.
Anh T. thừa nhận có vay tiền, vàng của vợ chồng ông L. nhưng chỉ còn nợ 295 triệu đồng và 10 lượng vàng SJC. Cụ thể, trước đó, anh đã trả 500 triệu đồng vốn gốc và 4 lượng vàng SJC nhưng không làm biên nhận.
Từ tháng 5/2019- 7/2022, anh đã trả vốn gốc cho vợ chồng ông L. được 335 triệu đồng nên chỉ còn nợ 295 triệu đồng và 10 lượng vàng SJC. Nay anh đồng ý trả tiếp số tiền, vàng này nhưng xin được trả dần theo khả năng.
Ngoài lời trình bày trên, anh T. không có chứng cứ nào khác chứng minh. Trong khi các tài liệu, chứng cứ do ông L. cung cấp đều thể hiện anh T. có vay của vợ chồng ông L. 1 tỷ 130 triệu đồng và 14 lượng vàng SJC nhưng mới trả được 335 triệu đồng nên việc anh T. cho rằng đã trả 500 triệu đồng và 4 lượng vàng SJC nhưng không làm biên nhận và không lấy lại biên nhận nợ là không có căn cứ chấp nhận.
Do đó, HĐXX đã tuyên anh T. phải trả cho vợ chồng ông L. số nợ còn lại là 795 triệu đồng và 14 lượng vàng SJC.
Trường hợp của bà Đ.T.T. và N.K.A. (ở TP Vĩnh Long) cũng giống như vụ kiện vừa nêu. Cụ thể, bà T. có thỏa thuận cho bà A. vay 260 triệu đồng, thời hạn cuối trả nợ là ngày 19/12/2021.
Tuy nhiên, quá hạn đã lâu mà bà A. không trả tiền nên bà T. khởi kiện ra tòa đòi 260 triệu đồng vốn gốc và tiền lãi chậm trả cho đến ngày tòa đưa vụ án ra xét xử.
Bà A. thừa nhận: Năm 2020, bà có vay tiền của bà T. nhưng vì chưa trả được vốn gốc cũng như tiền lãi nên bà T. nhập tiền lãi và vốn thành 260 triệu đồng. Thực tế, bà chỉ còn nợ vốn gốc 100 triệu đồng và tiền lãi 80 triệu đồng nên chỉ đồng ý trả 180 triệu đồng.
Từ các chứng cứ thu thập được, HĐXX nhận định: Bà A. vay tiền của bà T. là có thật được chứng minh bằng hợp đồng vay ngày 8/11/2021, có công chứng và biên nhận tiền.
Bà A. cho rằng có vay tiền của bà T. nhưng ít hơn số tiền thể hiện trên biên nhận, ngoài lời trình bày này thì bà A. không có chứng cứ nào khác chứng minh.
Do bà A. đã tự nguyện ký tên vào hợp đồng vay, biên nhận tiền nhưng vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên phải có trách nhiệm trả nợ gốc và tiền lãi cho bà T. như thỏa thuận.
Theo đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T., buộc bà A. có nghĩa vụ trả tiền nợ gốc và tiền lãi chậm trả cho bà T. tổng cộng hơn 271 triệu đồng.
Vay mượn tiền là giao dịch dân sự, rất cần chứng cứ chứng minh nên người trong cuộc khi vay mượn hay trả tiền cần thực hiện đúng quy định của pháp luật bằng văn bản “giấy trắng mực đen” để bảo vệ quyền lợi của mình nếu không may xảy ra tranh chấp.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin