Làm giấy ủy quyền với mục đích vay tiền nhưng sau đó biết tài sản bị "sang tay" cho nhiều người, nguyên đơn khởi kiện ra tòa.
Làm giấy ủy quyền với mục đích vay tiền nhưng sau đó biết tài sản bị “sang tay” cho nhiều người, nguyên đơn khởi kiện ra tòa.
Vụ “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự bị vô hiệu, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) và hợp đồng vay tài sản” vừa được TAND huyện Bình Tân đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm giữa nguyên đơn là ông T.V.Th. (ngụ huyện Bình Tân) và bị đơn là ông T.N.T. (ngụ tỉnh Đồng Tháp). Theo ông Th., đầu năm 2021, ông T. cho ông vay 50 triệu đồng, lãi suất 600.000 đ/tháng. Đồng thời, ông Th. ký hợp đồng ủy quyền và giao cho ông T. một giấy chứng nhận QSDĐ làm tin đảm bảo việc trả nợ.
Sau đó, ông T. chuyển nhượng thửa đất cho ông E.. Ông E. tiếp tục chuyển nhượng cho ông V.. Đến tháng 5/2022, ông V. chuyển nhượng tiếp cho bà H. thì sự việc mới vỡ lẽ. Quá trình giải quyết tranh chấp, bà H. thừa nhận có nhận chuyển nhượng thửa đất trên từ ông V. và đang đứng tên sở hữu. “Khi nhận chuyển nhượng do tin tưởng nên tôi không xem đất, không biết trên đất có tài sản gì không, cũng không biết đất do ông V. hay ai quản lý”- bà H. trình bày và nêu quan điểm: “Tôi là chủ sở hữu hợp pháp, trường hợp ông V. cố ý chuyển nhượng đất đang tranh chấp thì đề nghị xem xét trách nhiệm để bồi thường thiệt hại”.
Để đảm bảo quyền lợi, ông Th. yêu cầu tòa vô hiệu hóa hợp đồng ủy quyền với ông T., vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông V. và bà H., buộc ông T. phải trả lại chứng nhận QSDĐ. Nguyên đơn chấp nhận trả lại cho bị đơn 50 triệu đồng đã vay kèm theo lãi suất từ ngày vay đến giữa tháng 6/2023 là hơn 16,5 triệu đồng.
Thực tế, hợp đồng ủy quyền giữa ông Th. và ông T. là nhằm bảo đảm việc trả nợ và ông T. cũng chưa có ý kiến phản đối yêu cầu này. Trong khi đó, ông E. thừa nhận biết hợp đồng trên được thực hiện với mục đích vay tiền, không phải ủy quyền chuyển nhượng. HĐXX cho rằng, hợp đồng là giả tạo nhằm che giấu cho hợp đồng vay nên bị vô hiệu theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự.
Do đó, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Th., tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền giữa ông Th. và ông T., vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của các đương sự. Công nhận cho ông Th. được đứng tên QSDĐ và phải liên hệ cơ quan chức năng điều chỉnh. HĐXX cũng dành cho ông T., ông E., ông V. và bà H. một vụ kiện khác khi có tranh chấp và giải quyết hậu quả của hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu.
Như vậy, vụ việc tranh chấp liên quan nhiều đương sự xuất phát từ hợp đồng ủy quyền với mục đích vay tiền cũng đã được giải quyết thỏa đáng dựa trên các chứng cứ và quy định pháp luật. Đây cũng là bài học pháp luật đắt giá với người trong cuộc và những ai có ý định thực hiện các giao dịch được thiết lập trên cơ sở một quan hệ dân sự nhằm che giấu một giao dịch khác không có hiệu lực pháp luật.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin