Đôi bên không mâu thuẫn gì cho đến khi vô tình gặp nhau trong tiệc nhậu nhưng chỉ vì những lời lẽ thiếu tế nhị, thái độ côn đồ dẫn đến ẩu đả, xô xát khiến kẻ vào tù, người mang thương tích.
Bị cáo Phùng Văn Cu Em tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long.Ảnh: Tư liệu |
(VLO) Đôi bên không mâu thuẫn gì cho đến khi vô tình gặp nhau trong tiệc nhậu nhưng chỉ vì những lời lẽ thiếu tế nhị, thái độ côn đồ dẫn đến ẩu đả, xô xát khiến kẻ vào tù, người mang thương tích.
Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm cố ý gây thương tích đang có nhiều diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho người trong cuộc và xã hội.
Những vụ việc đáng lẽ được giải quyết “thấu tình đạt lý” nhưng chỉ vì bị khiêu khích bởi lời ăn tiếng nói thiếu kiềm chế mà “chuyện bé xé ra to”, dẫn đến hậu quả người mang thương tích, kẻ phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Qua các vụ án “Cố ý gây thương tích” được ngành tòa án đưa ra xét xử vừa qua cho thấy, hầu hết bị cáo đều trẻ tuổi, thái độ ứng xử nông nổi, bốc đồng. Mặt khác, một số bị cáo sử dụng rượu bia, không làm chủ được bản thân dẫn đến hành động nông nổi.
TAND tỉnh Vĩnh Long vừa tuyên phạt bị cáo Phạm Vũ Hảo (SN 1994, ngụ huyện Tam Bình) 2 năm tù vì tội “Cố ý gây thương tích”. Vụ án xảy ra vào ngày 23/1 tại một đám cưới ở xã Long Phú (huyện Tam Bình), bị cáo Hảo và bị hại N.N.S. đều là khách mời dự tiệc.
Tại đây, 2 người xảy ra mâu thuẫn, S. chạy về nhà lấy dao tự chế đánh Hảo. Lúc này, Hảo đã ra về được một đoạn, khi thấy S. cầm hung khí, bị cáo vội chạy vào nhà dân lấy một con dao “nghênh chiến” với S..
Tuy nhiên, khi Hảo cầm dao chém thì sút cán, lưỡi dao bay trúng bụng S.. Bị hại được đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị hơn 10 ngày với tỷ lệ thương tật 53%.
Hành vi phạm tội của bị cáo Hảo nguy hiểm cho xã hội, không những xâm hại đến sức khỏe của người khác mà còn gây mất an ninh trật tự nên tòa sơ thẩm của TAND huyện Tam Bình tuyên phạt bị cáo 3 năm tù.
Nhận thấy bản thân có lỗi, ngay sau khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm, bị hại S. đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cho bị cáo Hảo được hưởng án treo.
Dù muộn nhưng sự ăn năn của bị cáo và ý thức nhận lỗi của bị hại cũng được HĐXX ghi nhận, từ đó bị cáo được giảm 1 năm tù, cũng đủ tính răn đe đối với bị cáo và là bài học không riêng bị hại mà đối với nhiều người trong việc ứng xử khi xảy ra mâu thuẫn.
Có thể thấy, không ít các vụ án nghiêm trọng lại xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ vì thiếu kiềm chế, hay nóng nảy bộc phát, không nhận thức được tính nguy hiểm của lời nói và hành vi dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh, phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực từ các mặt trái của xã hội, việc lạm dụng các chất kích thích, sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình,... đã khiến một bộ phận thanh thiếu niên nhận thức lệch lạc, ăn chơi, đua đòi, dễ bị kích động, lôi kéo dẫn đến phát sinh các mâu thuẫn và nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong vụ án “Giết người” được TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử đối với bị cáo Phùng Văn Cu Em (SN 1992, ngụ TT Tân Quới, huyện Bình Tân), cũng xuất phát từ mâu thuẫn trên bàn nhậu mà bị cáo đã đâm bị hại nhiều nhát. Theo đó, khi Em nhậu cùng hàng xóm thì L.V.S. chở bạn đến chơi.
“Nhập tiệc” chưa được bao lâu, bạn của S. đã nói chuyện lớn tiếng, Em không hài lòng nên đuổi người này về.
Lúc này, S. nằm võng chứng kiến sự việc và cho rằng chỗ nhậu không phải nhà Em nên 2 người cự cãi. Chưa dừng lại, Em lấy dao tấn công S. gây thương tích ở vùng đầu, cổ, mặt phải chạy sang nhà kế bên trốn.
Theo giám định, S. bị thương với tỷ lệ 29%. Chỉ vì không vừa ý lời ăn tiếng nói trong bàn nhậu mà bị hại và bị cáo dùng vũ lực giải quyết khiến kẻ vào tù, người mang thương tật. Theo HĐXX, do S. chống trả nên Em không thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, S. không chết là ngoài ý muốn của bị cáo.
Trong khi đó, sau khi gây án, bị cáo Em thấy mọi người đưa S. đi cấp cứu nhưng không phụ giúp, bỏ mặc hậu quả xảy ra thể hiện tính chất côn đồ nên tuyên phạt bị cáo 9 năm tù vì tội “Giết người” là đúng người, đúng tội.
Qua các vụ án, cũng là bài học để mọi người kiềm chế bản thân, bình tĩnh tìm cách giải quyết trước những va chạm không đáng có trong cuộc sống.
Ở khía cạnh khác, để đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này cần đặc biệt chú trọng vai trò quản lý, giáo dục gia đình, chính quyền địa phương đối với giới trẻ, đặc biệt là những đối tượng chậm tiến để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin