Cho rằng nhà bị lún nứt xuất phát từ công trình đang xây dựng của hàng xóm, chủ nhà khởi kiện đòi bồi thường nhưng chỉ được HĐXX chấp nhận một phần.
(VLO) Cho rằng nhà bị lún nứt xuất phát từ công trình đang xây dựng của hàng xóm, chủ nhà khởi kiện đòi bồi thường nhưng chỉ được HĐXX chấp nhận một phần.
Chị T.K.V. và bà N.T.P. (ở TP Vĩnh Long) là hàng xóm, có nhà cặp vách nhau. Tháng 3/2018, khi bà P. tháo dỡ nhà cũ và xây lại nhà mới thì nhà chị V. bị lún, nứt. Chị V. có báo cho bà P. biết nhưng không được khắc phục nên khiếu nại đến chính quyền địa phương.
Tại biên bản hòa giải ngày 5/6/2018, chị V. cho rằng quá trình xây dựng nhà, bà P. thuê công nhân đào móng và đóng cừ sát vách tường nhà chị, gây hư hỏng đà kiềng dẫn đến toàn bộ căn nhà bị lún, nứt nghiêm trọng.
Bà P. cam kết sẽ thuê đơn vị tư vấn kiểm định thiệt hại và bồi thường cho nhưng khi xây nhà xong thì bà P. không thực hiện nên chị V. khởi kiện ra tòa.
Sau khi khởi kiện thì hiện tượng sụt, lún, nghiêng và các vết nứt trên nhà của chị V. ngày càng nghiêm trọng, không còn sử dụng được nên đầu năm 2020, chị V. cùng người thân đã thuê nhà trọ ở.
Chị V. xác định nguyên nhân làm cho nhà chị không còn sử dụng được là do công trình nhà bà P. gây ra nên yêu cầu bà P. bồi thường thiệt hại chi phí sửa chữa nhà và thuê nhà trọ bằng 245 triệu đồng.
Bà P. không đồng ý với lý do nhà chị V. xây trên tường, đà cũ, xây dựng không đúng kết cấu, bảng vẽ thiết kế và giấy phép được cấp. Hiện tượng nhà chị V. bị nứt, lún đã xuất hiện từ trước chứ không phải do công trình nhà bà gây ra.
Mặc dù khẳng định mình không có lỗi nhưng trong thời gian chờ tòa xét xử, bà P. đã âm thầm lập hợp đồng tặng cho nhà đất cho em trai và em trai bà đã tặng cho nhà đất lại cho con gái là chị N.N.D.H..
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cho rằng các hợp đồng tặng cho nhà đất nói trên là giả tạo nên tuyên vô hiệu, chị H. có nghĩa vụ trả lại tài sản cho bà P. đồng thời bà P. phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chị V. các khoản sửa chữa nhà và thuê nhà, tổng cộng hơn 141 triệu đồng nhưng bà P. không đồng ý nên đã gửi đơn kháng cáo.
Qua các tài liệu, chứng cứ thu thập được, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: Chị V. được cấp phép xây nhà tháng 2/2016 và sử dụng ổn định đến tháng 2/2018 thì bà P. khởi công xây dựng nhà ở.
Trước khi xây dựng, bà P. không liên hệ với chị V. để ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề theo quy định.
Trong quá trình bà P. xây dựng nhà thì nhà chị V. xuất hiện các vết nứt trên tường, sàn và cột. Sự việc này được Thanh tra Sở Xây dựng kết hợp UBND phường ghi nhận hiện trạng và bà P. thống nhất trong biên bản là để cho chị V. tiếp tục theo dõi các vết nứt cho đến khi nhà bà P. xây xong thì sẽ thỏa thuận bồi thường.
Tuy nhiên, sau khi xây nhà xong thì bà P. cho rằng các vết nứt không phải do xây dựng nhà bà gây ra nên không đồng ý bồi thường.
Kết quả khảo sát, kiểm định của Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng thì nhà chị V. có 47 vết nứt, trong đó có 8 vết nứt vượt giới hạn cho phép và 4 đoạn cột có độ nghiêng vượt phạm vi cho phép, tỷ lệ hư hỏng toàn công trình là 53,21%, khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường do xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ.
Nguyên nhân gây ra lún, nghiêng, nứt nhà của chị V. là do thi công phần móng không đúng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được cấp phép, chưa đảm bảo khả năng chịu lực với tải trọng công trình, khi có tác động bên ngoài như nhà liền kề đào hố móng, đóng cừ, gia tải lên nền đã gây ảnh hưởng lún, nghiêng, nứt tường.
Xét nguyên nhân và lỗi dẫn đến công trình nhà chị V. bị thiệt hại là do nhà chị V. xây dựng không đúng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được cấp phép, không có đà kiềng, không móng mà chỉ bó nền bằng gạch ống đất sét nung trên nền gạch cũ, kết cấu nhà có gác lửng đổ bằng bê tông nên khả năng chịu lực công trình chưa đảm bảo, nhất là khi có yếu tố tác động bên ngoài, từ đó làm cho công trình nhà chị V. bị thiệt hại nghiêm trọng, không còn sử dụng được.
Đối với công trình nhà bà P. xây dựng có giấy phép, nhưng trước khi xây dựng bà P. không ghi nhận các khuyết tật công trình lân cận nên không có căn cứ chứng minh các vết nứt, nghiêng, lún của nhà chị V. đã có sẵn.
Trong quá trình thi công nhà bà P. thì nhà chị V. xuất hiện các vết nứt ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn dẫn đến không sử dụng được. Như vậy, có căn cứ xác định lỗi của mỗi bên là ngang nhau, nên mỗi bên phải tự chịu 50% thiệt hại.
Riêng các hợp đồng tặng cho nhà đất, HĐXX cho rằng ngoài căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất (QSDĐ) do bà P. đứng tên thì bà P. không còn tài sản nào khác nên việc bà P. lập hợp đồng tặng QSDĐ có gắn căn nhà trên đất là tài sản duy nhất của bà cho em trai mà không có lợi ích gì là cố tình chuyển dịch tài sản duy nhất cho người khác để trong trường hợp bà P. bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho chị V. thì không có tài sản để đảm bảo thi hành án.
Hiện chị H. là cháu của bà P. đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ gắn với căn nhà bà P. trên đất.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị H. trình bày căn nhà là tài sản chung của các anh em, bà P. chỉ đại diện đứng tên.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của chị V. và đảm bảo cho công tác thi hành án sau này, cần buộc chị H. có trách nhiệm cùng bà P. bồi thường thiệt hại về nhà cho chị V. mà không cần vô hiệu các hợp đồng tặng cho QSDĐ đã lập trước đó.
Từ nhận định trên, HĐXX tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị V., buộc bà P. và chị H. có trách nhiệm bồi thường cho chị V. 50% giá trị thiệt hại căn nhà, tương đương hơn 118,8 triệu đồng; chị V. tự chịu 50% còn lại và không chấp nhận yêu cầu đòi bà P. bồi thường chi phí thuê nhà trọ của chị V..
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin