Đối tượng điện thoại cho người dân, tự xưng là cán bộ công an "hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử" với mục đích thu thập thông tin cá nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo này gần đây được ghi nhận xảy ra ở nhiều địa phương, cơ quan công an khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác.
Đối tượng điện thoại cho người dân, tự xưng là cán bộ công an “hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử” với mục đích thu thập thông tin cá nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo này gần đây được ghi nhận xảy ra ở nhiều địa phương, cơ quan công an khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác.
Bộ Công an đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm CCCD gắn chip và định danh điện tử theo đề án chuyển đổi số quốc gia.
Lợi dụng điều này, một số đối tượng giả mạo cán bộ công an để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại.
Thủ đoạn của các đối tượng là gọi đến số điện thoại của người dân hỏi thông tin và vận động họ làm CCCD, định danh điện tử để tạo niềm tin.
Sau đó đối tượng sẽ yêu cầu người dân cung cấp số tài khoản ngân hàng, mã OTP với lý do “tích hợp vào định danh cá nhân mức độ 2 cho công dân” hoặc “xác minh tài khoản ngân hàng của công dân để làm định danh cá nhân”.
Từ đó các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng người dân, chuyển tiền sang tài khoản của chúng.
Công an huyện Trà Ôn tiếp nhận phản ánh từ người dân về việc bị một người tự xưng “tên Như, công tác tại Công an huyện Trà Ôn” hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử. Theo đó, người này điện thoại cho người dân hỏi có phải thuê bao chính chủ không và đã có tài khoản định danh điện tử chưa, nếu chưa thì đến công an huyện đăng ký.
Qua xác minh, Công an huyện Trà Ôn có cán bộ trùng tên như vừa nêu nhưng không sử dụng số điện thoại đã gọi đến người dân.
Từ sự việc này, Công an huyện Trà Ôn lưu ý người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác, bởi thủ đoạn giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án đã xảy ra. Ngoài ra, lợi dụng việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử, một số đối tượng giả danh công an yêu cầu người dân cung cấp mã OTP.
Điển hình là vừa qua, ông N. (Đồng Tháp) do mất cảnh giác đã làm theo “hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2” và mất 1 tỷ đồng. Cụ thể, kẻ lừa đảo điện thoại cho ông N. giới thiệu là cán bộ công an, hướng dẫn cài đặt ứng dụng “An ninh mạng”, có logo của Cục An toàn thông tin. Ông N. làm theo và đến ngày hôm sau thì phát hiện tiền trong ngân hàng đã “không cánh mà bay”.
Theo điều tra của công an, đối tượng lừa đảo thường tự xưng là cán bộ công an nơi cư trú của người dân để họ tin tưởng và yêu cầu truy cập vào một đường link lạ tải ứng dụng giả mạo có logo của cơ quan chức năng.
Sau đó, đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng chứa mã độc thu thập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu người dân cấp quyền truy cập. Từ đây, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi, điều khiển điện thoại của người khác từ xa.
Mục đích của hành vi này là nhắm đến thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng và tin nhắn mã OTP xác nhận để thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của người dân đến tài khoản của đối tượng.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 thì thực hiện trên ứng dụng.
Với mức độ 2, công dân phải đến cơ quan công an. Khi cấp tài khoản định danh điện tử, cán bộ công an không yêu cầu người dân cung cấp thông tin gì liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Công an huyện Trà Ôn khuyến cáo người dân không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, đặc biệt là hình ảnh CCCD, các mã OTP qua tin nhắn, điện thoại hay các trang mạng xã hội.
Cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án không làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời về trụ sở. Trường hợp cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, người dân liên hệ trực tiếp cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn hoặc qua các số điện thoại đã được cơ quan công an cung cấp.
TRUNG HƯNG