Tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa về giao thông

12:07, 11/07/2023

Tai nạn giao thông (TNGT) gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Những năm qua, công tác đảm bảo trật tự, ATGT, xử lý vi phạm được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, song tình hình vẫn còn phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt hơn nhằm xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa giao thông, kéo giảm vi phạm và tai nạn.

(VLO) Tai nạn giao thông (TNGT) gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Những năm qua, công tác đảm bảo trật tự, ATGT, xử lý vi phạm được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, song tình hình vẫn còn phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt hơn nhằm xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa giao thông, kéo giảm vi phạm và tai nạn.

Tai nạn giao thông giảm, song còn phức tạp

Ngày 4/9/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 18 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

10 năm thực hiện chỉ thị này, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, 10 năm qua cơ quan chức năng đã xử lý hơn 40 triệu trường hợp vi phạm với số tiền hơn 27.000 tỷ đồng. Về xử lý hình sự, đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hơn 41.000 vụ, gần 42.000 bị can.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa được đẩy mạnh, đặc biệt là tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp xảy ra các vụ TNGT.

Tại Vĩnh Long, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, không xảy ra TNGT đường thủy, đường bộ xảy ra 46 vụ làm chết 39 người, bị thương 25 người, thiệt hại tài sản hơn 195 triệu đồng.

So cùng thời điểm này của năm 2022, giảm 22 vụ, giảm 9 người chết, giảm 17 người bị thương, thiệt hại tài sản giảm khoảng 693 triệu đồng.

Từ các vụ TNGT, cơ quan chức năng thống kê có 50% số vụ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu là vi phạm về phần đường, làn đường và tránh, vượt không bảo đảm an toàn.

Lực lượng CSGT Vĩnh Long tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự, ATGT.
Lực lượng CSGT Vĩnh Long tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự, ATGT.

Trên phạm vi cả nước, so với 10 năm trước, TNGT giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết và giảm 44% số người bị thương.

Dẫn chứng thời điểm năm 2012, TNGT đã làm gần 10.000 người chết, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho biết con số này đã giảm xuống còn 7.000 vào năm 2022.

Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, TNGT được kiềm chế và giảm dần qua từng năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công an, trật tự, ATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét.

Việc bảo đảm trật tự, ATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. TNGT giảm chưa bền vững, việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn.

Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông

Cũng theo đánh giá của Bộ Công an, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng thiệt hại do TNGT vẫn rất nghiêm trọng. 10 năm qua, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra gần 20.000 vụ TNGT, làm chết 7.000 người, bị thương 16.000 người.

Một con số đáng lo ngại, đó là trong số những người bị chết, bị thương có đến 70% trong độ tuổi lao động, để lại hệ lụy rất nặng nề cho xã hội, làm người dân lo lắng, bất an khi tham gia giao thông.

Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để đạt được mục tiêu kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn.

Đồng thời, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 18, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới”.

Tuần qua, tại hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định: Việc ban hành chỉ thị là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm trật tự, ATGT phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Chỉ thị 23 nêu rõ thực trạng trật tự, ATGT hiện nay và đặt ra 4 nhóm mục tiêu, yêu cầu về xây dựng văn hóa giao thông, nhận thức về chấp hành giao thông, thể chế và nguồn lực đầu tư cho giao thông.

Quán triệt Chỉ thị 23, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang- Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng, nếu như Chỉ thị 18 chỉ giới hạn trong 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thì Chỉ thị 23 thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm trật tự, ATGT trên cả 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.

Đây là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong các giai đoạn trước đây cho phù hợp với tình hình mới.

Cùng với 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, Chỉ thị 23 nêu rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, ATGT.

Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức Cuộc vận động “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, mỗi cá nhân chủ động, tự giác chấp hành pháp luật, ủng hộ, cổ vũ những tấm gương về bảo đảm trật tự, ATGT.

Ngay sau khi Chỉ thị 18 được ban hành, các cấp, các ngành đã cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động với rất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc. Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong 10 năm đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 3 luật, 55 nghị định, 259 thông tư, thông tư liên tịch liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh